Mỹ đóng cửa không phận gần biên giới với Canada

Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) nêu rõ, việc đóng cửa không phận khu vực hồ Michigan là nhằm bảo đảm an toàn giao thông hàng không ở khu vực hoạt động của NORAD.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ Michigan. (Nguồn: Illinois News Bureau)
Hồ Michigan. (Nguồn: Illinois News Bureau)

Ngày 12/2, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã đóng cửa không phận khu vực hồ Michigan gần biên giới với Canada trong một khoảng thời gian ngắn.

Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Mỹ đóng cửa không phận tại đây.

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) nêu rõ, việc đóng cửa không phận khu vực hồ Michigan là nhằm bảo đảm an toàn giao thông hàng không ở khu vực hoạt động của NORAD.

Lệnh hạn chế bay tạm thời tại khu vực này đã được dỡ bỏ sau đó.

Một ngày trước đó, nhà chức trách Mỹ cũng đã đóng cửa không phận bang Montana và quân đội Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu đến khu vực này để điều tra 1 vật thể lạ ở đó.

Tuy nhiên, sau đó NORAD cho biết, các phi công đã không phát hiện vấn đề gì bất thường.

Cùng ngày 12/2, truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin từ 1 quan chức và Quốc hội Mỹ cho hay, quân đội nước này đã bắn hạ 1 vật thể bay không xác định trên hồ Huron vào chiều 12/2 (giờ địa phương) ở gần biên giới Canada.

Vụ việc này đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp 1 vật thể không xác định bị bắn hạ trên không phận Bắc Mỹ, tiếp sau các động thái tương tự ở khu vực Yukon, miền bắc Canada, vào ngày 11/2 và trong không phận Alaska hôm 10/2.

Hiện Mỹ và Canada đang tiến hành tìm kiếm mảnh vỡ của các vật thể đã bị bắn hạ này.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC của Mỹ, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Charles Schumer cho biết, giới chức Mỹ cho rằng các vật thể bay bị bắn hạ ở Alaska và Yukon là khinh khí cầu.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh máy bay chiến đấu của Mỹ ngày 4/2 vừa qua đã bắn hạ 1 khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng.