Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

NDO -

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 11/2 (giờ Mỹ), chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Trong chiến lược, chính quyền của Tổng thống Biden cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế. Trong số những hành động dự kiến được tiến hành trong 12-24 tháng tới, chính quyền của Tổng thống Biden cho biết, Washington sẽ củng cố khả năng răn đe trước những động thái gây hấn quân sự nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực. Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác.

Việc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden có thể được xem như một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này. Chiến lược có đoạn nêu rõ: “Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ quyết tâm tăng cường vị thế dài hạn của chúng tôi và những cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chú trọng mọi khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á, từ Nam Á tới châu Đại Dương, bao gồm các hòn đảo tại Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Biden cũng lưu ý rằng để xây dựng "năng lực tập thể" với các đồng minh và đối tác nhằm giải quyết những thách thức trong khu vực, Mỹ sẽ tăng cường phối hợp với 5 nước đồng minh hiệp ước trong khu vực với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, đồng thời củng cố quan hệ với các đối tác khu vực quan trọng khác. Trong đó, mối quan hệ giữa các nước thành viên trong nhóm Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) được củng cố để giải quyết các vấn đề quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như ứng phó đại dịch Covid-19 và hợp tác về chuỗi cung ứng.