Giáo sư-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu sinh ra tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định), một vùng đất có bề dầy truyền thống văn hiến và cách mạng. Giáo sư là người ham học và học giỏi ngay từ khi còn nhỏ, tham gia cách mạng từ rất sớm, làm việc với nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Thế Lữ, Thanh Tịnh, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Vân; làm Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại chiến khu Việt Bắc.
Giáo sư là người xây dựng, tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện xã hội học, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học Việt Nam; đồng thời đảm nhận nhiều trọng trách Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, tham gia giảng dạy ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Là người có kiến thức sâu rộng, uyên thâm, Giáo sư đã viết, sáng tạo hàng trăm tác phẩm, công trình khoa học lớn về chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhều lĩnh vực khác như triết học, đạo đức học, văn hóa, văn học-nghệ thuật, xã hội; tiêu biểu là các tác phẩm Đẹp (xuất bản năm 1963), Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Cách mạng và nghệ thuật (1979), đặc biệt là công trình khoa học “Bàn về văn hiến Việt Nam” có giá trị lớn, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.
![]() |
Các đồng chí lãnh đại tỉnh Nam Định kính tặng Giáo sư- Anh hùng Lao động Vũ Khiêu bức trướng, chúc mừng Giáo sư đại thọ 100 tuổi.
Vinh danh xứng đáng đối với một lão thành cách mạng, một nhân sĩ trí thức, một nhà khoa học lớn và tiêu biểu của đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Giáo sư Vũ Khiêu nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (năm 1996), Anh hùng Lao động (năm 2000), huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2006).
Là một người con của Nam Định, Giáo sư-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu luôn nặng lòng với quê hương, dành cho quê nhà những tình cảm tốt đẹp, thân thương; luôn trăn trở, góp ý nhiều ý kiến xác đáng cho các đồng chí ãnh đạo tỉnh Nam Định, huyện Xuân Trường với lòng mong muốn quê nhà phát triển, hưng thịnh, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa riêng có của Nam Định.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc, những tình cảm nồng thắm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định đã dành cho cá nhân và gia đình Giáo sư trong nhiều năm qua. Giáo sư đã tặng tỉnh nhà câu đối: “Vươn cao khí thế Đông A, tiếp bước hiền tài xây dựng sự nghiệp/ Tỏ rõ tinh thần Nam Định, mở đường giàu mạnh hướng tương lai” để thể hiện sâu sắc tấm lòng của mình với quê hương.