“Mùa xuân nho nhỏ”, “nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn” vào đề thi Ngữ văn lớp 10

NDO -

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 của Hà Nội được đánh giá là vừa sức với số đông thí sinh, phù hợp với đặc thù của lứa học sinh phải trải qua thời gian dài học, ôn tập trực tuyến trong bối cảnh của đại dịch Covid 19.

Thí sinh tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Thí sinh tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đề thi Ngữ văn năm nay có thời gian làm bài 120 phút, nên số lượng câu hỏi thành phần tăng so với đề thi 2021-2022 (thời gian 90 phút). Theo đánh giá của các giáo viên tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Học mãi, cấu trúc đề của thành phố Hà Nội vẫn giữ đặc trưng riêng vốn có nhiều năm qua. Kiến thức Văn học và Tiếng Việt trải ra ở cả hai học kỳ, tuy nhiên trọng tâm vẫn rơi vào nội dung của học kỳ II.

Với sức ép về số lượng thí sinh đông của kỳ thi, có thể nói đề thi đã bảo đảm yêu cầu cho một kỳ tuyển sinh với độ phân hóa khá tốt, đồng thời giảm áp lực cho thí sinh. Theo các thầy cô của Học mãi, dự kiến, phổ điểm trung bình từ 6,5-7,5.

Ở phần I, chiếm 6,5 điểm, theo các giáo viên, “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là một văn bản có giá trị, ngữ liệu trong đề đã bóc tách được những câu thơ, đoạn trích xác đáng để đưa vào các câu hỏi thành phần. Một phần của câu hỏi 1 tương đồng với câu hỏi 1 trong phần hướng dẫn đọc hiểu văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn 9, rất quen thuộc với học sinh. Tuy vậy, câu hỏi số 3 nhiều khả năng liên quan đến một văn bản thuộc phần “Khuyến khích học sinh tự đọc”, các giáo viên phân tích.

Ở phần II, ngữ liệu được lựa chọn không mới, đã xuất hiện nhiều lần trong các đề thí sinh được luyện tập. Với ngữ liệu quen thuộc và đoạn trích rất ngắn, vấn đề nghị luận xã hội được nêu ra quen thuộc… có thể giúp thí sinh dễ dàng lấy được điểm số tốt cho bài thi năm nay.

Nhà giáo Tạ Minh Thủy, giáo viên Ngữ văn của Tuyển sinh 247 cũng cho rằng đề vừa sức với học sinh. Cô cho biết, đề thi năm nay là những kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ, cảm nhận và năng lực của học sinh. Các câu hỏi rõ ràng, cấu trúc đề không thay đổi với mọi năm. Bên cạnh các câu hỏi nhận biết đơn giản vẫn có các câu vận dụng cao, giúp phân loại học sinh tốt. Với đề thi này học sinh trung bình có thể làm được 6.5-7 điểm, các bạn học khá, giỏi đạt 8-9 không quá khó khăn.

Trong phần I, đề thi tập trung kiểm tra kiến thức vào khổ thơ thứ nhất của bài “Mùa xuân nhỏ nhỏ”. Nhưng không dừng lại ở kiến thức chung quanh khổ thơ mà còn mở rộng kiến thức liên quan đến toàn bộ bài thơ: thể thơ, mạch cảm xúc. Đặc biệt, đề đưa ra câu hỏi học sinh cần cảm nhận được vẻ đẹp hình ảnh "giọt long lanh rơi". Đây là một hình ảnh thơ đẹp, đa nghĩa, giàu tính sáng tạo. Câu chiếm nhiều điểm nhất của phần I yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận đoạn thơ để thấy rõ vẻ đẹp quê hương và cảm hứng ngợi ca tôn vinh của Thanh Hải với đất nước.

Phần II, yêu cầu của 2 ý đầu tiên không quá khó, liên quan đến kiến thức về phép liên kết câu, biện pháp tu từ và một câu đọc hiểu tìm ý. Hai ý đầu, học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản là có thể lấy được trọn vẹn điểm. Ý thứ 3 yêu cầu nghị luận về sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn. Có thể thấy đây là một câu hỏi rất hay, đặt ra vấn đề hai chiều giữa vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn, vấn đề rất đáng quan tâm với thế hệ trẻ ngày nay. Qua đó hướng tới thông điệp ý nghĩa là chúng ta phải tạo nên một lối sống đẹp, tâm hồn đẹp. Đồng thời, câu hỏi này cũng tạo nên mạch chung với câu 4 trong phần I, đó chính là mỗi chúng ta cần tạo nên một tâm hồn đẹp, một lối sống vị tha, cống hiến, xa rời lối sống vị kỷ, chỉ biết đến bản thân.