Mùa xuân dã chiến

NDO -

Những chuyến xe vận chuyển F0 vẫn nối tiếp lên đường dịp Tết nguyên đán. Hàng nghìn chiến sĩ áo trắng vẫn gác việc riêng, bám trụ từng vị trí trên mặt trận điều trị người bệnh Covid-19. Năm nay, mùa xuân với họ không phải là sự đoàn viên, sum họp của cá nhân, mà chính là sức khỏe, bình yên và sự sống của mỗi người bệnh Covid-19.

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 căng mình điều trị bệnh nhân những ngày Tết cận kề.
Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 căng mình điều trị bệnh nhân những ngày Tết cận kề.

Bám trụ không rời trên tuyến đầu

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang chăm sóc điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân ở tầng 3, trong đó có hơn 100 ca phải thở máy. Tại thời điểm này, tình trạng các bệnh nhân Covid-19 nặng rất căng thẳng.

BS Ngô Thanh Hà, Phụ trách đơn nguyên cấp cứu tầng 3, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại ở khoa có khoảng 60-70 bệnh nhân Covid-19, đa phần đối tượng là những người cao tuổi có nhiều bệnh nền nên khi mắc Covid-19 thì bệnh tiến triển nặng, tổn thương phổi suy hô hấp nặng.

Tình trạng quá tải diễn ra những ngày qua tại tuyến đầu điều trị Covid-19. Ê-kíp của bệnh viện chia làm 3 ca 4 kíp tuy nhiên số lượng bệnh nhân tăng, nên đôi khi kíp trực 2-3 tiếng phải kiểm tra một lần, dồn dập khiến nhân viên y tế cảm thấy kiệt sức khi quá tải bệnh nhân.

Những ngày cuối năm, các nhân viên y tế tại đây chứng kiến nhiều nỗi buồn. Nỗi buồn lớn nhất là số bệnh nhân nặng tăng lên và ngày nào cũng có bệnh nhân tuột khỏi tay nhân viên y tế. “Mỗi ngày, riêng ở khoa Cấp cứu tầng 3 có khoảng 2-3 bệnh nhân tử vong, tổng số ca tử vong ở bệnh viện dao động từ 5-7 ca/ngày khiến tỷ lệ tử vong cao đột biến”, bác sĩ Hà nói.

Mùa xuân tại các bệnh viện dã chiến -0
 Các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chăm sóc nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Điều an ủi họ thời điểm này chính là từng sinh mạng được cứu sống và hồi sinh. Sau những giờ lao động vất vả, nhân viên y tế lại liên hệ được với gia đình thông qua facetime, camera để lấy lại cân bằng.

Với bác sĩ Hà và hàng nghìn nhân viên y tế khác, năm qua là năm của dịch chuyển khi đi hỗ trợ chống dịch ở nhiều địa phương rồi trở về chống dịch tại bệnh viện. Tất cả chỉ muốn được góp phần sức của mình để cứu chữa bệnh nhân và hy vọng lớn nhất trong năm mới là dịch sẽ kết thúc sớm và các nhân viên y tế không phải cách ly trong bệnh viện, được làm việc rồi trở về nhà sau mỗi ngày kết thúc công việc.

Theo bác sĩ Đồng Sĩ Khiêm, Phó Khoa Hồi sức tích cực, 2 năm qua, các bác sĩ không còn khái niệm về nghỉ bù. Càng gần Tết, cảm xúc có thể đôi chút xao động vì nhớ cảm giác được sum họp, đoàn tụ với gia đình, nhưng guồng quay công việc khiến mọi người nhanh chóng vào vị trí.

Đặc biệt tại khoa Cấp cứu, các nhân viên tại đây luôn trong trạng thái trực chiến và sẵn sàng ở những tình huống khẩn cấp nhất. Cứ 2 tháng ở vòng trong, họ được đảo quân một lần. Nhưng thay vì có thể sau ca trực được về phòng nghỉ ngơi, các chiến sĩ áo trắng phòng Cấp cứu gần như bám trụ 24/24 quanh bệnh nhân.

“Bệnh nhân nằm tại khoa đều ở tình trạng nặng, khẩn cấp. Chúng tôi có rời ca trực chính cũng không quay về chỗ nghỉ mà luân phiên hỗ trợ kíp trực chính. Chúng tôi xác định tập trung nguồn lực cao nhất, không nề hà gì vất vả để bảo đảm tỷ lệ cứu sống tại đây được cao nhất, tương xứng với các trung tâm hiện đại trên thế giới”, bác sĩ Khiêm bày tỏ.

Những cuộc chi viện xuyên Tết

200 nhân viên y tế Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai vẫn đang miệt mài ngày đêm chăm sóc hàng trăm người bệnh Covid-19. Tết năm nay sẽ có 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch nằm tại đây. Sự sống của họ, phụ thuộc vào máy thở, các máy can thiệp nội khí quản, ECMO. Nhưng may mắn hơn, các nhân viên y tế tại đây hết ca trực vẫn được trở về nhà, tùy trường hợp đặc biệt như ở xa hoặc có yếu tố dịch tễ.

PGS, TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai cho biết, số bệnh nhân chuyển nặng nhập viện tại đây tăng cao trong những ngày qua. Hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 200 trường hợp nặng, nguy kịch, trong đó có 2 ca ECMO, 10 ca lọc máu, 40 ca thở máy và còn lại là các trường hợp thở HFNC, thở oxy.

Với tinh thần của những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu, bác sĩ Hải chia sẻ, vốn là bệnh viện tuyến đầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội quen với công việc trực, khám, cấp cứu xuyên Tết. Tết cũng sẽ có giai đoạn đặc biệt với nhiều người, nhiều gia đình nhưng với cán bộ tại đây thì trực tết là nhiệm vụ, vẫn triển khai các hoạt động thu dung bệnh nhân nặng, điều trị các kỹ thuật cao.

Mùa xuân tại các bệnh viện dã chiến -0
Khoảng 200 cán bộ y tế chăm sóc cho 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19.

Theo bác sĩ Hải, từ khi Hà Nội tăng lên gần 3.000 ca nhiễm mỗi ngày, tỷ lệ chuyển nặng cũng tăng cao, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine.

Khó khăn tại thời điểm này của bệnh viện chính là bệnh nhân tích lũy nặng chưa hề giảm. Có nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 vẫn còn nằm tại đây. Đó là các trường hợp dù đã khỏi bệnh Covid-19 nhưng gặp bệnh nền nặng, vẫn phải hỗ trợ thở, điều trị. Mặc dù Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã luân chuyển bệnh nhân liên tiếp về cơ sở chính để dành chỗ cho điều trị F0 nặng nhưng vẫn chưa giải được bài toán này.

“Mỗi ngày chúng tôi vẫn phải đi “săn lùng” bệnh viện nhận bệnh nhân hậu Covid-19. Nhiều nơi chưa sẵn sàng vì sợ lo ngại bị lây nhiễm. Nhưng thực tế, đây là các trường hợp đã sạch virus và họ chủ yếu còn nằm viện cho bệnh lý khác, phải thở máy”, bác sĩ Hải bày tỏ.

Hiện bệnh viện đang phải tạo một khu phòng đệm để điều trị các trường hợp bệnh nhân này. Vì vậy, bác sĩ Hải mong muốn các cơ sở y tế tuyến dưới hãy mạnh dạn đón nhận bệnh nhân sau giai đoạn Covid-19 cấp. Điều này giúp bệnh viện giải quyết bài toán dồn ứ bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, có thể giải phóng giường tiếp nhận them nhiều trường hợp F0 nặng khác.

Xác định Tết năm nay đặc biệt vất vả hơn, hiện 200 cán bộ y tế đang làm việc hết công suất để chăm sóc khối lượng bệnh nhân tại đây. Trong số này, có khoảng 50 nhân viên y tế vừa chi viện, vừa học tập đến từ Hà Giang, Hà Nội và Thanh Hóa. Họ sẽ cùng 150 nhân viên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng trực xuyên Tết, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. “Có nhiều nhân viên của chúng tôi xung phong sang cơ sở này từ những ngày đầu tiên và chưa trở về. Tất cả đều có tinh thần khi nào Hà Nội khống chế được dịch Covid-19, họ mới trở về chuyên môn công tác”, bác sĩ Hải cho hay.

Sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, hiện bệnh viện đã và đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân F0. Với những kiến thức hiểu biết hơn về cơ chế bệnh lý, biện pháp điều trị và và tinh thần sẵn sàng xung phong vào tuyến đầu, các anh em tình nguyện làm xuyên Tết đều là những người xông pha, chịu nhiều gian khổ. 

Những ngày giáp Tết, nhiều chiến sĩ áo trắng vẫn lên đường chi viện, giúp cho các địa phương có được cái Tết bình an. 14 y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã lên đường tới Vĩnh Long ngày 22/1 vừa qua, tiếp tục thực hiện sứ mệnh điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.

Lần thứ 10 xuất quân, đoàn có 14 nhân viên y tế trong đó có những người có con còn rất nhỏ, cha mẹ cao tuổi. Họ đều là lực lượng nòng cốt, có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm và sẽ góp phần tích cực trong điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19. 

Mùa xuân tại các bệnh viện dã chiến -0
 Các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chi viện cho Vĩnh Long.

Với hơn 100 bệnh nhân nặng ở Trung tâm hồi sức Covid-19 Vĩnh Long mỗi ngày, đa phần là người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm đủ vaccine sẽ là thử thách lớn cho các y, bác sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ.

ThS, BS Vũ Duy Anh, Khoa Ngoại tiết niệu - Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Biết là sẽ phải ăn Tết xa nhà, biết là nhiều gian khó đang chờ phía trước, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức cùng với lực lượng y tế Vĩnh Long cứu chữa cho bệnh nhân. Chúng tôi xin hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sớm chiến thắng trở về”.

Những chuyến xe vì sinh mệnh người bệnh

Với các cán bộ của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, kể từ khi có dịch, không có khái niệm là ngày thường hay ngày tết, chỉ có những ngày "chống giặc". Những ngày qua, khi Hà Nội tất bật chuẩn bị đón một năm mới, thì trên mỗi nẻo đường, góc phố, những chuyến xe cấp cứu 115 vẫn chạy hối hả trên đường làm nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm. 

Vì nhân lực có hạn, nên một ca trực cấp cứu kéo dài 24 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, có kíp trực phải làm đến 25-27 giờ đồng hồ mới kết thúc. 

Anh Đào Tiến Dũng, lái xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, công việc tăng gấp 2-3 lần, nhưng các kíp trực luôn sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ với quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, nhiệm vụ của trung tâm vận chuyển bệnh nhân ở tầng 2, 3. Mỗi ngày, trung bình trung tâm thực hiện 150 chuyến xe cấp cứu.

Từ khi có dịch, không một ai tại Trung tâm 115 có khái niêm tết. Họ chỉ có một hy vọng duy nhất, với những nỗ lực của toàn bộ anh em trung tâm, hy vọng có thể góp phần nào cùng ngành y tế, nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh.

Mùa xuân tại các bệnh viện dã chiến -0
 Các chuyến xe cấp cứu vẫn chạy 24/24 để vận chuyển bệnh nhân kịp thời.

Cùng hối hả len lỏi trên đường phố để vận chuyển cấp cứu, nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm đến từ TP Hồ Chí Minh đã tăng cường nhân lực lên 11 người và 6 xe cứu thương, tăng hơn so với thời điểm đầu tháng 1 thêm 3 thành viên và 2 xe để hỗ trợ Hà Nội vận chuyển F0. Kể từ ngày 6/1 đến nay, nhóm đã vận chuyển được 1.600 trường hợp F0.

Theo anh Nguyễn Xuân Thăng, hiện nay việc vận chuyển F0 thể nhẹ giảm, nhưng tỷ lệ người già, người có bệnh nền cần vận chuyển tới cơ sở y tế tăng nhiều hơn trước.

Những ngày giáp Tết, 6 xe nhóm Nhất Tâm hối hả chạy trên những con ngõ nhỏ để tiếp cận người bệnh kịp thời. Trung bình mỗi ngày nhóm vận chuyển 20-30 trường hợp F0 chuyển nặng, hỗ trợ 15 ca cần oxy điều trị tại nhà và kết nối các bác sĩ hỗ trợ từ xa cho khoảng 40 ca F0 điều trị tại nhà. 

Mùa xuân tại các bệnh viện dã chiến -0
 Nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm hỗ trợ vận chuyển F0 tại Hà Nội.

Tết năm nay, nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm sẽ đón giao thừa bên bàn trà và luôn tâm thế sẵn sàng nếu người bệnh cần. Họ xả thân, gác lại niềm riêng, gác lại tết đoàn viên của bản thân để hòa chung vào niềm vui sum họp, đoàn tụ của từng người bệnh.

"Tất cả chúng tôi đều thu xếp được gia đình để yên tâm chi viện cho Hà Nội. Chúng tôi mong năm mới, dịch bệnh sớm được khống chế. Khi đó, anh em chúng tôi sẽ yên tâm về với cuộc sống bình thường, về với gia đình", anh Thăng cho hay. 

Những hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế suốt 2 năm qua đã giúp cho hàng triệu gia đình được đoàn tụ, sum họp. Tết năm nay, họ tiếp tục đứng vững trên các tuyến chống giặc Covid-19, để người dân an yên đón xuân mới. 

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan