Mùa vàng Phương Độ

Phương Độ mùa lúa chín. Chim rừng trú trong từng khóm cây bụi hót vang từ sáng tới chiều. Cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa, xã Phương Độ mang đến nét chấm phá riêng, níu lòng du khách. Dường như, chỉ nơi đây, những mái nhà sàn của người Dao áo dài mới có đặc trưng bốn mùa đều thẫm rêu xanh và mùa nào trong năm cũng miên man sương khói.
Ruộng bậc thang ở thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. (Ảnh Lê Na)
Ruộng bậc thang ở thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. (Ảnh Lê Na)

Sắc chàm vương vấn…

Phương Độ chẳng vướng đèo cao, dốc thẳm. Những khúc quanh duyên dáng thắt eo, chậm rãi buông chùng như vạt áo chàm. Có lúc, tai cũng ù đi, gáy lạnh, nhưng mây đã kịp vỗ về.

Mây ở đây ấm như khói bếp trong nhà anh bạn, quấn lấy người, ôm lấy núi. Phương Độ nhỏ nhắn, mơ màng như chính cái tên, như hiện thân của nàng sơn nữ. Đón chúng tôi là một nhà văn bản địa ngoài 35 tuổi.

Ngoài viết văn anh còn giữ nghề truyền thống là làm trà. “Tuổi ấy, trai bản coi như ế vợ rồi!”, ai đó buông câu đùa. “Có muốn vội cũng chẳng được. Nghề chữ cũng như nghề trà, cứ an nhiên, từ tốn và thầm lặng.

Ngồi trước trang giấy hay trước những búp lá xanh ngắt tươi non, mọi vướng bận phải tiễn theo mây gió, về đỉnh Tây Côn Lĩnh xa kia”, nhà văn thủng thẳng đáp.

Mùa này, những thửa ruộng bậc thang ba thôn vùng cao của Phương Độ: Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài bắt đầu vàng ươm lúa chín, gió đưa hương quyện từng nếp nhà, chái bếp, cung đường... Lúc này, Phương Độ hệt nàng tiên mùa thu kiều diễm, khoác lên mình tấm áo choàng màu nắng, rực rỡ mà tinh khôi, sững sờ mà vương vấn...

Nét quyến rũ nhất của ruộng bậc thang chính là vẻ đẹp như những dải lụa uốn quanh lưng núi, sườn đồi, khe suối... lúc thấp thoáng trong mây, khi chan hòa với nắng. Đang mùa gặt, người Dao vẫn mặc trang phục truyền thống với sắc chàm xanh sâu, nụ cười bừng sáng, khúc khích trên từng thửa ruộng. Riêng ba thôn đã có khoảng 90 ha ruộng bậc thang - thành quả của biết bao công sức bà con vùng cao đắp đập, ke bờ, rẫy cỏ, dẫn nước...

Không chỉ đẹp vào mùa lúa chín, mà mùa nước đổ, từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác, lênh láng cuộn trong mình màu nâu kỳ vĩ của đất đai với sắc màu biến ảo của trời cao, rừng thẳm, tạo nên những cung bậc nên thơ mà khó tả.

Vừa thu hoạch lúa về, ông Lý Văn Ly đã miệt mài sao cho kịp mấy mẻ trà trên chảo gang to. Nhà ông nhiều đời làm trà, thu hái từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ, thân to bằng hai vòng tay ôm của người lớn. Dân muốn hái được chè phải đeo gùi trên lưng, leo núi mất nửa ngày hướng về phía Tây Côn Lĩnh, đến vùng chè thì tiếp tục trèo lên từng cành xù xì mốc thếch địa y để hái búp.

Bàn tay còn thơm hương lúa chín nay ướp vị trà thanh tao, huyền hoặc. Vừa làm, ông vừa kể chuyện như một nghệ nhân đích thực: Bạch trà trắng như phủ tuyết, còn nguyên dáng lá cong cong, chồi búp mập mạp; thanh trà mảnh mai, nền nã bung tỏa trong lòng ấm đất nung. Còn một loại đặc biệt, sao tẩm công phu, xong xuôi mọi công đoạn thì cho vào ống lam (ống tre, nứa còn tươi), bít kín bằng lá rừng, loại có hương vị hợp với trà, và lại tiếp tục hong, ủ nhiều ngày cho tới khi ống lam ngả màu vàng pha nâu như hoa dẻ héo là được.

Nút ống lam nhồi lá đã khô khốc được mở ra, “trà sư” của bản đặt chéo ống, gõ loong boong nhịp nhàng cẩn trọng, từng “đốt” nhúc nhắc đẩy ra, chui thẳng vào miệng ấm. Chắc chắn phải có bí quyết trong lúc nén chè vào ống lam thì mỗi nhịp gõ lượng trà đẩy ra mới vừa vặn một ấm như vậy.

Ông Ly chia sẻ, trà ở đây luôn là đặc sản, rất quý hiếm và giá trị cao. Có những loại trà đặc biệt, giá lên tới dăm, ba triệu đồng một cân, khách khắp nơi vẫn đổ về tìm mua bằng được, dân không có để bán là chuyện bình thường. Giờ thì tại bản cũng đã có công nghệ sao trà bằng máy, búp khô đều hơn, độ cong móc câu nghìn búp, triệu búp tăm tắp như nhau. Tuy nhiên, nhà ông và nhiều hộ khác thì vẫn sao theo phương thức thủ công, cảm giác dựa vào đôi tay, cặp mắt và… tình cảm trong lòng.

Câu chuyện còn dang dở thì những người phụ nữ từ ruộng trở về. Họ kĩu kịt gánh gồng lúa chín, trên vầng trán là vạt khăn quấn khéo léo như một vành mũ màu đỏ rực, những tua rua len màu xanh chấp chới phía trên. Vẻ đẹp ấy tựa như bức tranh hoa chuối rừng ôm những nhụy xanh non đang chờ ngày đậu quả trùm khẽ lên mái tóc đen mượt.

Nhà văn bản địa giải thích thêm: Đây là trang phục truyền thống của đồng bào Dao áo dài. Ngày mùa là ngày hội, bà con lao động hăng say nhưng không quên “khoe” trang phục đầy bản sắc.

Những năm gần đây, xã Phương Độ trở thành vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch. Hiện địa phương đã có nhiều cách làm để thu hút du khách, như: Tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc Dao; tổ chức các lớp dạy tiếng Anh cho người dân bản địa; cải tạo cảnh quan, cập nhật công nghệ để tiếp cận khách du lịch… So với thời gian trước, đường đến các thôn giờ đây đã được bê-tông hóa và vẫn giữ được vẻ đẹp êm đềm, thân thiện với thiên nhiên.

Đẩy mạnh du lịch cộng đồng

Một trong những điểm nhấn của du lịch cộng đồng ở xã Phương Độ chính là làng văn hóa du lịch thôn Tha. Thôn có gần 150 hộ với khoảng 700 nhân khẩu và hầu hết là bà con dân tộc Tày. Cả thôn có khoảng 10 hộ làm du lịch cộng đồng, thu hút phần lớn khách nước ngoài.

Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, thôn còn lưu giữ, phục dựng được tất cả nhà sàn truyền thống với những nét văn hóa, phong tục độc đáo. Mỗi năm, lượng khách du lịch đến đây ước đạt gần 2.000 lượt. Từ cách làm này, nhiều thôn trong xã Phương Độ đã học tập, phát triển mô hình làm du lịch.

Nếu năm 2011, thôn Tha và Hạ Thành của xã mới được ra mắt và số hộ làm du lịch chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì nay xã có thêm nhiều thôn triển khai hiệu quả, đặc biệt là ba thôn có ruộng bậc thang đẹp nhất là Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài.

Anh Trần Hoài Nam, chủ hộ mới đầu tư xây dựng nhà sàn để làm du lịch tại thôn Tha vui mừng chia sẻ: “Thấy có cơ hội tốt, chúng tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng, sửa sang nhà sàn cho khách đến nghỉ. Nhà tôi là nhà sàn truyền thống của người Tày, rộng hơn 200 m2, có thể phục vụ khoảng 20-30 khách nghỉ và có khuôn viên cho khách uống nước, ngắm cảnh.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, lượng khách khá đều nên gia đình có thu nhập ổn định”. Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Hạ Thành) - một trong những hộ dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng, cho biết, trước đây thu nhập của gia đình rất bấp bênh, chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Từ khi tham gia mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, gia đình đầu tư sửa sang lại nhà cửa, bình quân mỗi năm đón gần 200 đoàn khách, doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Bà con nơi đây còn phấn khởi với niềm vui lớn nhất, đó là, nghệ thuật truyền thống hát then, hát cọi của đồng bào Tày tại xã chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ hội truyền thống thì nay, một số nghệ nhân hát đã thành lập đội văn nghệ để hát giao lưu cùng du khách, các thanh thiếu niên trong thôn bản ngoài giờ học cũng đã chú tâm học hát, học đàn.

Văn hóa truyền thống riêng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Phương Độ đang từng bước được khơi dậy và phát huy. Đó cũng chính là nét riêng góp phần thu hút khách du lịch, khích lệ bà con nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống và cùng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đồng bào mình.

Trước mỗi nét đổi thay, bà con lại được tiếp thêm động lực. Thí dụ, năm 2017, thôn Hạ Thành được UBND tỉnh công nhận Làng Văn hóa dân tộc tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân trong thôn đã có sự đổi thay mạnh mẽ: Số lượng hộ dân làm du lịch tăng; Lễ hội Lẩu Then được khôi phục và phát triển; đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả với hơn 40 người tham gia; các mô hình kinh tế và thủ công mỹ nghệ sôi nổi trở lại…

Phương Độ còn có “đặc sản” chợ đêm được tổ chức vào tối thứ bảy hằng tuần với khoảng 100 gian hàng trên diện tích khoảng 2.000 m2. Điểm nhấn của chợ, ngoài các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản của địa phương... còn ở việc kết hợp chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống do đoàn nghệ nhân của toàn bộ các thôn bản trong xã biểu diễn.

Dù chỉ là một không gian nhỏ với sân khấu, khán đài mộc mạc, nhưng người xem rất đông và đầy hứng khởi, xúc động. Để tăng tính chủ động, địa phương đã tiến hành đánh giá tiềm năng, lợi thế của mình, từ đó đề ra kế hoạch phù hợp; huy động sự vào cuộc của các chuyên gia, các đơn vị lữ hành; đồng thời tập trung phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và dịch vụ phụ trợ; tăng cường công tác truyền thông quảng bá, xây dựng hình ảnh…

Trong câu chuyện đầy niềm vui và cảm hứng hôm nay, các bậc bô lão của thôn bản không quên nhắc về ký ức. Đất và người Phương Độ đã cần mẫn, kiên trì vượt qua bao gian khó, nhọc nhằn. Cách đây chưa quá lâu, đường đến nơi này chỉ là một lối mòn nhỏ hẹp, toàn dốc cao, vực thẳm, lại chưa có điện lưới quốc gia.

Để xây dựng các công trình, người dân phải lặn lội xuống suối, đóng từng bao cát, sỏi rồi ngược dốc cao mang về tự đóng gạch bi. Ngay đến những bếp lửa có nền từ đất đỏ, những mái nhà rêu phủ xanh um đầy lãng mạn cũng chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống vùng cao. Chúng tôi gặp đoàn du khách nước ngoài vừa phải dừng cuộc chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh do yếu tố thời tiết.

Thật may khi nỗi buồn, sự hụt hẫng đã không trỗi dậy nhờ tình cảm nồng hậu, quyến luyến mà dung dị của đất và người Phương Độ. Họ vừa uống trà, vừa nghe bà con đàn hát và du ngoạn Tây Côn Lĩnh qua tác phẩm văn chương của nhà văn người Tày kiêm hướng dẫn viên du lịch. Phương Độ nhỏ bé, mơ màng mà huyền bí, kiêu hãnh như núi cao, rừng thẳm, mùa vàng.