Đó cũng là cơn mưa trái mùa hiếm hoi từ đầu mùa khô 2020-2021 đến nay ở Cà Mau. Mưa làm hạ nhiệt cái nắng oi bức buổi trưa hè, làm tăng độ ẩm và bổ sung thêm lượng nước không nhỏ xuống kênh, rạch trong lâm phần rừng tràm Cà Mau. Nhưng theo lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ “canh lửa” mùa khô, mưa trái mùa thường có sét đánh làm cháy rừng nhưng rất khó chữa cháy và dập cháy ngún, vì thân cây, lá cây rừng đã sạch bụi bặm.
Khả năng sét đánh gây cháy cũng là lo ngại của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, trong chuyến kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn lâm phần rừng tràm U Minh hạ vào sáng 15-4.
Nói chuyện với các đơn vị chủ rừng ở U Minh, Bí thư Tỉnh ủy dẫn chứng trong quá khứ đã có nhiều vụ cháy do sét đánh vào đầu mùa mưa gây nên. Vì thế, các đơn vị chủ rừng không được lơ là, mất cảnh giác với những cơn mưa đầu mùa. “Cháy do con người, chúng ta phòng được nhờ kiểm soát tốt nhưng do sét đánh thì chỉ duy nhất phát hiện kịp thời để dập, không để xảy ra cháy lớn” - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau lưu ý và yêu cầu các “chủ rừng” cần chuyên nghiệp hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, trong năm 2022, bằng mọi giá, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ở U Minh phải lắp camera chuyên dụng (mắt thần), đồng thời mua thiết bị bay không người lái phục vụ cho việc giám sát, quản lý, bảo vệ rừng, cũng như PCCCR.
Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ lâm phần rừng tràm Cà Mau đã bị khô hạn, nguy cơ cháy rừng bất cứ lúc nào. Trong số đó, cảnh báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm) là hơn 19.480 ha và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) là gần 8.000 ha, chiếm hơn 61% tổng diện tích toàn lâm phần.
Diện tích có rừng báo cháy cấp 5 tập trung nhiều ở: Lâm phần rừng tràm thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ; Vườn quốc gia U Minh hạ; Trung tâm giống nông nghiệp Cà Mau; Sở chỉ huy thời chiến thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau; lâm phần thuộc địa bàn các xã Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận... của huyện U Minh. Lo lắng nhất hiện nay của các chủ rừng là nắng nóng tiếp tục gay gắt khiến nước dưới kênh rạch bốc hơn nhanh, khả năng sẽ thiếu nước chữa cháy nếu xảy ra cháy lớn tại một số khu vực trên lâm phần rừng tràm Cà Mau.