Nhà văn Phạm Việt Tiến từng được biết đến với vai trò Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cũng như là một trong những người đầu tiên sáng lập ra sân chơi kiến thức vui học cho thiếu nhi trên truyền hình.
Tiểu thuyết “Mưa ở lưng chừng đồi” của ông xoay quanh Hà, một cô thanh niên xung phong mới 18 tuổi. Giữa hàng ngàn tấn bom rơi xuống cung đường, sự sống, cái chết chỉ cách nhau tích tắc, một tình yêu rất đẹp vẫn đến với Hà. Cuộc chiến tranh sắp kết thúc cũng là lúc cam go nhất. Nam, người yêu Hà đi tiếp vào mặt trận, còn đội thanh niên xung phong của Hà sau Hiệp định Paris được ký kết đã về nhận nhiệm vụ mới ở Nông trường Đông Giang. Cô thanh niên xung phong đã xuất sắc hoàn thành công việc của mình ở nông trường, một phần để quên đi nỗi buồn Nam hy sinh. Bằng nỗ lực, cô thi đỗ Đại học Nông nghiệp. Đêm nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, Hà cũng đón nhận tình yêu của Trường... Nhưng liệu cô gái ấy có được hạnh phúc như trong những trang ngôn tình?
Cuốn sách đầu tiên của tác giả Phạm Việt Tiến là truyện dài “Bến Phù Vân”, xuất bản năm 2021. Ngay trong lời mở đầu cuốn sách, ông đã chia sẻ cùng bạn đọc: “Thời gian và ký ức như một dòng chảy trong cuộc sống mỗi con người. Tôi may mắn được lớn lên trong mênh mông của những cánh đồng, sự ấm mát của những dòng sông và những triền đồi… Chính cái may mắn ấy đã cho tôi một tình yêu với những miền quê thân thương. Những lát cắt của ký ức, đã giúp tôi trở lại, và gửi vào trong đó một thứ tình cảm dịu ngọt đối với mảnh đất và con người mà tôi đã từng sống, từng đi qua.”
Năm 2022, truyện dài “Phía tây trời sáng”, cuốn sách thứ hai của tác giả Phạm Việt Tiến ra đời giữa những ngày Việt Nam vừa trải qua đại dịch Covid 19. Từ câu chuyện của một dòng họ, với những thế hệ lớn lên trong bối cảnh phong kiến và những năm đầu Cách mạng, tác giả Phạm Việt Tiến đã phục dựng lên một quá khứ với tất cả những ký ức sâu nặng, đằm thắm để bạn đọc hiểu hơn, trân trọng hơn và nâng niu hơn vẻ đẹp truyền thống của một giai đoạn, của một đời sống ở làng quê rất đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ.
“Mưa ở lưng chừng đồi” được tác giả Phạm Việt Tiến ra mắt bạn đọc vào tháng 11/2024. Cuốn tiểu thuyết mang chủ đề chiến tranh, là những trang văn đầy lãng mạn về một thời chưa xa, đau thương mất mát nhưng không hề bi luỵ. Tác giả dành nhiều trang viết về những thân phận phụ nữ đã cống hiến gần hết tuổi thanh xuân cho những cung đường ra mặt trận…
Nhà báo, nhà văn Phạm Việt Tiến cũng đã từng qua quân ngũ. Ông chia sẻ, những trang viết trong “Mưa ở lưng chừng đồi” cũng chính là những trải nghiệm thực tế của mình không chỉ trong thời gian trong quân ngũ, sống ở vùng biên giới phía bắc, hay những chuyến công tác trong suốt thời gian làm việc ở Đài Truyền hình. Chính vì thế, những trang viết của ông được nhiều bạn viết đánh giá là đầy ắp những chi tiết của đời sống ở nhiều khía cạnh khác nhau. Những trang viết tưởng chừng rất giản dị, nhưng bao chứa rất nhiều suy tư, ngẫm ngợi của một người đã viết như là sống.
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, hiện đang công tác tại Báo Nhân Dân cho biết, đây là cuốn tiểu thuyết dễ đọc nhưng không hề dễ viết. Phạm Việt Tiến là một người mới xuất hiện nhưng đã có ý thức viết từ nhiều năm. Sách của ông có sự sắp xếp đan xen hợp lý giữa quá khứ và hiện tại.
Theo nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, “Mưa ở lưng chừng đồi” có cả tính đương đại, với mô tả một nông trường nơi các cô gái thanh niên xung phong về công tác sau khi rời khỏi chiến trường, giống như một môi trường nơi công sở hiện nay, với đủ những vui buồn, thói hư tật xấu… Các nhân vật chính của tiểu thuyết cho thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ đều không chỉ chịu đựng được những khó khăn gian khổ, những sóng gió của đời sống sau chiến tranh, mà còn mang được sự lãng mạn và tử tế.
Đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc đã đến dự buổi ra mắt sách. |
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận xét, cuốn tiểu thuyết có sự gần gũi với cuộc sống, các nhân vật nữ thanh niên xung phong hiện lên rất sinh động, có những mâu thuẫn, xung đột, có cả sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống. Hình ảnh cuộc sống ở nông trường hiện lên gần gũi, thân thương, được xây dựng từ những trải nghiệm của chính tác giả trong thời gian sống ở vùng biên giới và những chuyến đi công tác. “Tôi cho rằng văn cũng như người. Cuốn tiểu thuyết có lời thoại gần gũi thân thương, cách hành văn đằm thắm, nhân hậu, hiền lành. Anh Phạm Việt Tiến chắc chắn sẽ đến với văn chương nhiều hơn nữa” - PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Chia sẻ về cuốn tiểu thuyết, nhà văn Phạm Việt Tiến cho biết, những nhân vật trong sách cũng chính là những người ông đã gặp ngoài đời. “Tôi đã đến, đã gặp gỡ chính họ, không phải nhân vật mà chính là họ ngoài đời, đã đến nơi đó, một nông trường như nông trường Đông Giang trong tiểu thuyết. Thời gian đó mọi thứ đều rất gian khổ, nhưng tôi nhìn thấy sự tin tưởng của họ. Niềm tin của họ chính là lẽ sống, nếu không có lòng tin, sẽ không thể vượt qua tất cả. Đó là điều mà tôi thấy được ở họ” – Tác giả Phạm Việt Tiến nói.