Một số kinh nghiệm phòng chống bão, lũ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

NDO - Liên tiếp trong hai tháng 6 và 7 vừa qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh phải hứng chịu hai cơn bão số 2 và 3. Những ngày đầu tháng 8, do ảnh hưởng của áp thấp trên Biển Ðông, khu vực này lại đang hứng chịu những trận mưa lớn. Dự báo trong thời gian tới bão, lũ vẫn thường xuyên "qua lại" khu vực này. Vậy làm thế nào để có thể giảm thiệt hại do bão, lũ gây ra?

Nghệ An là tỉnh có địa hình đa dạng và phức tạp, trong đó 64% diện tích là miền núi, trung du 23%, còn lại 13% là đồng bằng và ven biển. Nhiều vùng trong tỉnh bị chia cắt bởi hệ thống đồi núi, sông, suối và có hướng dần từ tây bắc xuống đông nam. Nghệ An cũng là địa phương có mật độ sông suối tương đối dày, bình quân 0,7 km/km2 và có độ dốc lớn, do đó thường xuyên xảy ra lũ lụt, nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Thêm vào đó, đây là vùng đất có chiều dài bờ biển hơn 80 km hằng năm hứng chịu nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới và nước biển dâng. Do điều kiện khí hậu tự nhiên, địa hình phức tạp nên hằng năm thiên tai thường xuyên xảy ra trên cả ba vùng của Nghệ An. Ven biển thường xuyên phải đối phó bão và áp thấp nhiệt đới; vùng đồng bằng thường ngập úng; vùng núi hay bị lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Vì vậy công tác phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) hằng năm thường xuyên được quan tâm với phương châm 'chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khôi phục khẩn trương và hiệu quả. Trong đó lấy phòng, tránh là chính'. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng phương án PCLB-TKCN của địa phương mình. Ðôn đốc tu bổ, sửa chữa các công trình bị xuống cấp, hư hỏng, bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập, đê sông, đê biển, cũng như tính mạng người dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét. Từ đầu năm đến nay, ngoài nguồn vốn Trung ương cấp để khắc phục lụt bão năm 2010, tỉnh đã cấp ngân sách 9,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương sửa chữa các hạng mục công trình thiết yếu và mua sắm trang, thiết bị PCLB-TKCN. Các huyện cũng tự huy động hàng tỷ đồng để hỗ trợ thêm kinh phí cho các công trình của địa phương.

Một nét mới trong công tác PCLB của Nghệ An đó là, đơn vị đầu tiên trong cả nước đã 'số hóa' phương án PCLB. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Ðể chủ động ứng phó hiệu quả tình trạng ngập lụt, Nghệ An đã 'số hóa' phương án PCLB. Trong đó xác định cụ thể 240 điểm thường xuyên bị lũ quét chia cắt, xây dựng bản đồ ngập lụt ứng với từng cấp báo động lũ trên các triền sông; diện tích ngập lụt vùng ven biển ứng với mức nước biển dâng 1 - 3m, 3 - 5m và 5 - 7m. Với từng cấp độ ngập lụt do mưa, lũ, nước biển dâng là số hộ dân, và số người bị ảnh hưởng đều được 'số hóa' trên bản đồ máy tính. Nhờ cập nhật thông tin kịp thời, các cơ quan chức năng Nghệ An có thể dễ dàng xác định các vùng trọng điểm xung yếu ở từng hồ chứa, tuyến đê để xây dựng phương án chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý, ứng cứu khi cần thiết.

Ðến huyện Nam Ðàn, vùng trọng điểm ngập lụt của tỉnh Nghệ An, chúng tôi được Chủ tịch UBND huyện Thái Văn Nông cho biết: Ngay từ giữa tháng 5 hằng năm, bắt đầu vào mùa mưa bão huyện đã xây dựng xong phương án PCLB. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo 'phòng, tránh để giảm nhẹ thiệt hại là chính' từ huyện đến các xã, thôn triển khai thực hiện tốt phương châm 'bốn tại chỗ' để trong điều kiện nào cũng bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân, của tập thể, doanh nghiệp và của Nhà nước. Phương án PCLB của huyện Nam Ðàn được xây dựng cụ thể, chi tiết từ việc phân công nhiệm vụ, đến giải pháp thực hiện, ứng phó khi lũ, bão xảy ra cho các ngành, các xã, khu vực sản xuất nông nghiệp, đến các phương án hộ đê, bảo vệ an toàn hồ đập trên địa bàn địa phương, sơ tán dân ở vùng ngập ven sông, bảo đảm thông tin liên lạc, giao thông, hậu cần, y tế... Ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt, nhà nào cũng chuẩn bị thuyền, hoặc xây dựng nhà có thêm gác xép để cất giữ tài sản, nhất là lương thực, nước uống phòng khi nước lũ về có thể ở tạm trong năm, bảy ngày. Nhờ vậy, qua những đợt lũ lụt lớn vừa qua, Nam Ðàn không có hộ đói, và nhất là đã hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.

Chiều 26-7, khi cơn bão Nock-ten còn ở phía đông Phi-li-pin, thì tại Chi cục Ðê điều và phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh Thanh Hóa chúng tôi đã chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của các thành viên Ban chỉ đạo PCLB tỉnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thanh Hóa Trần Quang Trung đang cùng các đồng chí Chi cục trưởng đê điều, thủy lợi căng mắt trên màn hình máy tính để theo dõi đường đi của cơn bão Nock-ten. Căn cứ trên biểu đồ dự báo bão của các đài khí tượng Mỹ, Nhật Bản và Hồng Công (Trung Quốc) các anh đã nhận định bão Nock-ten có khả năng đi vào Biển Ðông, và quan trọng hơn cơn bão này có đường đi tương tự cơn bão số 2, xảy ra giữa tháng 6 vừa qua, gây mưa to đến rất to trên địa bàn Thanh Hóa, làm ngập lụt nhiều khu vực trong tỉnh. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Trần Quang Trung chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lốc xoáy và lũ quét, vì vậy công tác PCLB-TKCN phải nghiêm túc thực hiện, kiểm tra chặt chẽ, kiên quyết loại bỏ cách làm hình thức, chung chung, thiếu cụ thể. Hơn một tháng qua, các đoàn cán bộ của tỉnh đã đi kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị PCLB ở các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở; rà soát lại các phương án PCLB, sơ tán dân ở vùng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét; phương án bảo vệ hồ đập, đê sông đê biển ở những trọng điểm xung yếu. Ngày 25-7, Thanh Hóa đã tổ chức tổng điều tra để rà soát và đánh giá năng lực tổ chức PCLB-TKCN để kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém trong chỉ huy, điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương châm 'bốn tại chỗ'. Theo đồng chí Trần Quang Trung, hai vấn đề đáng quan tâm nhất trong 'bốn tại chỗ' là hậu cần và lực lượng. Các nhu yếu phẩm thiết yếu tỉnh đã giao cho Sở Công thương chuẩn bị, còn lực lượng sơ tán dân, hộ đê chống lụt chủ yếu vẫn là quân đội, quân dự bị và dân quân du kích. Trong bối cảnh lao động nông thôn hiện rất khó quản lý, tỉnh kiến nghị với Quân khu 4 đưa lực lượng quân dự bị vào lực lượng xung kích hộ đê, coi đây là lực lượng thường trực. Những năm gần đây, các lực lượng này hoạt động rất hiệu quả.

Qua những thiệt hại do thiên tai năm 2010, với cơn bão số 3 và hai đợt mưa lũ lớn liên tiếp xảy ra từ ngày 29-9 đến 19-10-2010 làm chết 55 người (trong đó có 20 người chết do xe khách qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân bị lũ cuốn trôi), 191 người bị thương. Thiệt hại về vật chất ước tính lên tới khoảng 6.800 tỷ đồng. Tỉnh Hà Tĩnh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Ðó là việc chỉ huy, điều hành và hiệp đồng giữa các lực lượng, phương tiện tại địa phương với các lực lượng, phương tiện của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Quân khu 4 và biên phòng các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình trong ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả lũ lụt. Hà Tĩnh cũng đã xác định được các khu vực trọng điểm bao gồm ven biển, cửa sông và trên biển; khu vực các huyện miền núi thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất; khu vực ngập lụt huyện Hương Sơn, Vũ Quang, ngoài đê La Giang của huyện Ðức Thọ; khu vực ngập úng nội đồng dọc theo kênh Nhà Lê và hạ du các hồ Kẻ Gỗ, sông Rác. Ðây là những vùng thường chịu ảnh hưởng nhiều rủi ro thiên tai, qua đó các huyện cần phân vùng, đánh giá nguy cơ rủi ro để đề ra các biện pháp phòng, tránh phù hợp theo phương châm 'bốn tại chỗ', sẵn sàng sơ tán dân cư và thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn khi bão, lũ xảy ra. Ðồng thời cũng tìm ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục như: Công tác điều hành, ứng phó ở một số cấp cơ sở còn lúng túng; cấp ủy, chính quyền và một số bộ phận dân cư ở các xã chưa nhận thức đầy đủ tính chất dữ dội của thiên tai, còn tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của cấp trên; công tác chuẩn bị 'bốn tại chỗ' ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, chưa được kiểm tra đầy đủ, chặt chẽ, cho nên khi xảy ra tình huống khẩn cấp thiếu phương tiện ứng phó, hoặc có nhưng không bảo đảm các điều kiện hoạt động...

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Hà Tĩnh Bùi Lê Bắc cho rằng: Khâu yếu nhất và cũng là vấn đề đáng quan tâm nhất trong PCLB những năm qua là thực hiện phương châm 'bốn tại chỗ' ở cấp cơ sở, thôn, bản và từng gia đình. Thiệt hại về tính mạng, tài sản nhiều hay ít chính là có làm tốt hay không ở khâu này. Một khi ý thức cộng đồng và năng lực trong phòng, tránh thiên tai được nâng cao, trong đó năng lực tổ chức, chỉ huy của cấp thôn, xã với phương châm 'bốn tại chỗ' có ý nghĩa sống còn đối với từng địa bàn dân cư. Anh Bắc nêu một thí dụ sống động, đó là xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê là vùng rốn lũ, ngập sâu nhất, nhưng mười năm qua không bị thiệt hại về người trong lũ lụt. Huyện Vũ Quang qua hai trận lũ lớn liên tiếp năm 2010 chỉ làm chết một người, hoặc vùng ngoài đê La Giang thuộc huyện Ðức Thọ, người dân có thể sống chung với lũ 20 ngày liền mà vẫn đủ các điều kiện sinh hoạt bình thường, là những bài học kinh nghiệm để các địa phương khác trong tỉnh Hà Tĩnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền về ý thức và kỹ năng ứng phó với lũ lụt của cộng đồng dân cư ở các nơi khác trong tỉnh học tập.

Nắm chắc và chính xác tình hình thực tế, chuẩn bị tốt công tác PCLB-TKCN theo phương châm 'bốn tại chỗ' ở các cấp, các ngành và ngay từ từng hộ dân cư trong cộng đồng là những giải pháp quan trọng để chủ động phòng, chống thiên tai.