Moskva - thành phố xanh, sạch, đẹp

NDO -

Cùng với thời gian, mỗi năm Moskva lại trở nên thân thiện môi trường hơn bao giờ hết. Lượng phát thải chất độc hại vào khí quyển tại Moskva đã giảm hai lần so 10 năm trước. Vậy Moskva đã làm gì để có được ghi nhận này?

Một góc thành phố Moskva. (Ảnh: Quế Anh)
Một góc thành phố Moskva. (Ảnh: Quế Anh)

Trước hết, đó là xây dựng hệ thống giao thông thân thiện môi trường, với chất lượng phát thải theo tiêu chuẩn châu Âu. Moskva đã và đang liên tục triển khai các dự án lớn nhằm cải thiện môi trường sinh thái, thay mới phương tiện giao thông công cộng, thân thiện môi trường hơn. Riêng trong năm 2021, Moskva đã trang bị mới 400 xe buýt điện và 71 tàu điện hiện đại. Tổng cộng trong 10 năm qua, thành phố đã trang bị mới 900 xe buýt điện và khoảng 700 tàu điện hiện đại.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết, chương trình môi trường của Moskva chủ yếu nhằm mục tiêu hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, theo hướng thân thiện môi trường; nghiên cứu sản xuất những loại xăng mới; thay mới động cơ, sao cho các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố đáp ứng các yêu cầu phát thải theo tiêu chuẩn châu Âu khắt khe hơn, cho phép bảo đảm môi trường sinh thái”.

Moskva - thành phố xanh, sạch, đẹp -0
Xe buýt điện chạy trong thành phố (Ảnh: Moskva 24) 

Kể từ đầu năm 2021, Moskva đã ngừng mua thêm xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel và xăng, để từ đó chuyển sang khai thác các tuyến giao thông công cộng bằng xe buýt điện. Thị trưởng khẳng định điều này cần có thời gian, song Moskva kiên quyết giảm dần xe chạy xăng và tiến tới thay thế hoàn toàn bằng xe buýt điện. Theo tính toán, việc thay thế một xe buýt động cơ diesel bằng một xe buýt điện cho phép giảm lượng khí thải CO2 tới 60,7 tấn/năm.

Moskva cũng liên tục thắt chặt các yêu cầu đối với nhiên liệu sử dụng trong thành phố. Kể từ năm 2013, thủ đô đã cấm bán nhiên liệu có tiêu chuẩn môi trường dưới mức Euro-4 và kể từ năm 2016 là dưới Euro-5. Ngoài ra, xe tải chạy bằng động cơ dưới Euro-3 bị cấm đi vào Moskva. Số liệu thống kê ghi nhận trong một thập kỷ kể từ năm 2010 đến 2020, tổng lượng phát thải gây ô nhiễm ở Moskva đã giảm tới 2,4 lần.

Trong thời gian này, chất lượng không khí ở thủ đô Nga được cải thiện hơn gấp đôi. Có được kết quả ấn tượng này, còn nhờ việc chính quyền thành phố chú trọng hiện đại hóa các doanh nghiệp cũ. Vào tháng 11/2021, Thị trưởng Sobyanin cho biết, nhà chức trách đang hoàn thành giai đoạn thứ hai quá trình tái thiết Nhà máy xử lý nước thải Lyubertsy (LOS) trước thời hạn. Cần lưu ý rằng, các cơ sở quan trọng để xử lý nước thải sinh học đã sẵn sàng. Moskva ưu tiên sử dụng các công nghệ không có chất thải. Bùn được xử lý sẽ sản xuất nhiên liệu sinh học và phân khoáng. Tất cả điều này góp phần cải thiện hệ sinh thái tại Moskva.

Đáng chú ý, theo Thị trưởng Sergei Sobyanin, việc hiện đại hóa các nhà máy xử lý chất thải trong thành phố về cơ bản đã hoàn thành vào cuối năm 2021, dự kiến được đưa vào ​​vận hành từ nửa đầu năm 2022, sao cho không ảnh hưởng mọi hoạt động trong thành phố.

Trong số các nhà máy được hiện đại hóa nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, có một dự án được coi là tham vọng nhất, đó là tái thiết Nhà máy lọc dầu Moskva. Vào tháng 6/2021, doanh nghiệp này đã hoàn thành việc tháo dỡ những phần công trình vốn được xây dựng và vận hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Các thiết bị lỗi thời đã được thay thế bằng một khu phức hợp lọc dầu hiện đại theo tiêu chuẩn môi trường “Euro+”. Nhờ việc tái thiết, nhà máy đã giảm được 99,9% lượng nước thải ô nhiễm thải ra sông Moskva, đồng thời giảm 2,2 lần lượng phát thải các chất độc hại vào khí quyển.

Ngoài ra, trong 10 năm qua, các ngành công nghiệp nguy hiểm, buộc phải đóng cửa hoàn toàn, không được phép hoạt động trong thành phố.

Bên cạnh đó, theo thống kê, Moskva vốn được coi là đô thị có tỷ lệ phủ xanh lớn nhất hành tinh, trong đó gần 50% diện tích Moskva được bao phủ bằng công viên, cây xanh, sông hồ tự nhiên… Thị trưởng Sobyanin nhấn mạnh: “Công viên, rừng cây, quảng trường và các khu vực tự nhiên chiếm tới 49% diện tích thành phố. Đó là chưa kể diện tích vườn hoa cây cảnh nhân tạo, được chăm sóc bằng ngân sách thành phố nhằm làm đẹp thêm cảnh quan đô thị”.

Phó Thị trưởng Moskva phụ trách vấn đề nhà ở, tiện ích và cải thiện đô thị, ông Peter Biryukov cũng nhấn mạnh chính sách phủ xanh là một trong những hướng đi quan trọng nhất trong việc hình thành một môi trường đô thị thoải mái và an toàn cho người dân.

Thành tựu về môi trường của Moskva được đánh giá cao ở cấp độ quốc tế. Vào cuối năm 2020, thành phố được đưa vào danh sách 30 thủ đô tốt nhất về chất lượng không khí, theo nền tảng trực tuyến IQAir. Đặc biệt, ở Moskva, hàm lượng các hạt lơ lửng được ước tính thấp hơn 22% so ở Rome và thấp hơn 11% so ở Paris. Năm 2020, Moskva lần đầu tiên lọt vào danh sách các thành phố loại A nhờ thực hiện Dự án công bố phát thải Carbon (CDP), hình thành hệ thống công khai thông tin về phát thải khí nhà kính. Mức giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2020 chỉ bằng khoảng 25% so năm 1990.

Theo nghiên cứu khác của PwC, Moskva đứng đầu về tỷ lệ diện tích các cơ sở tự nhiên và cây xanh trên đầu người trong số 12 thành phố, bao gồm: New York, Bắc Kinh, London, Berlin, Singapore và các thành phố khác.