Hôm nay, 2-10 tại Hà Nội, Học viện ngoại giao đã phối hợp Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển giao và phổ biến môn học Ngoại giao đa phương”, với sự tham dự của nhiều cán bộ từ Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại T.Ư Đảng, Viện KAS, các giáo sư và nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, học viện trên cả nước, như: Học viện Ngoại giao, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Huế, Đại học Hồng Bàng,…
Theo ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, vị thế của một Việt Nam độc lập, thống nhất với những quyền dân tộc cơ bản trên trường quốc tế đã được khẳng định nhờ các công tác đối ngoại đa phương hiệu quả. Đối ngoại đa phương đã góp phần hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, đối ngoại đa phương Việt Nam đã triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội và văn hóa. Các hoạt động đối ngoại đa phương được thực hiện ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ và phương thức, nhờ đó mà đã gặt hái được những thành tựu to lớn.
Những kết quả đáng ghi nhận của công tác đối ngoại đa phương đã đóng vai trò quan trọng trong việc phá thế bao vây cấm vận, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bên cạnh việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường và củng cố các mối quan hệ song phương, cũng như nâng cao vị thế đất nước, thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Trên thực tế, việc triển khai công tác đối ngoại đa phương vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như tư duy, cách tiếp cận. Điều này đòi hỏi sự cấp thiết đào tạo một đội ngũ cán bộ đa phương bảo đảm về mặt số lượng, có bản lĩnh chính trị, vững chắc về kỹ năng, trình độ chuyên môn, có đủ tính chủ động để đóng góp, đề xuất sáng kiến.
Đối ngoại đa phương của Việt Nam năm 2020 có hai nhiệm vụ quan trọng, trên cương vị là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN.
Với vị thế đang ngày càng được cộng đồng quốc tế công nhận, Ngoại giao đa phương đứng trước yêu cầu trở thành một môn học đối với những người học ngành Ngoại giao và Quan hệ quốc tế, góp phần cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đóng góp vào sự nghiệp đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Hội thảo “Chuyển giao và phổ biến môn học Ngoại giao đa phương” nhằm mục đích cung cấp thông tin thực tiễn về công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, tiếp thu môn học mới này.