Có thể thấy những năm qua, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số kết nối internet vào đời sống xã hội đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, và văn hóa không nằm ngoài cuộc. Thực tiễn cho thấy việc xây dựng môi trường văn hóa số đã và đang là xu hướng có tính toàn cầu, và ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, công tác số hóa trong lĩnh vực văn hóa dường như có phần chậm trễ hơn so với các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Năm 2020, dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, nhiều hoạt động xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Hàng loạt nhà hát, rạp chiếu phim đóng cửa, các điểm tham quan, di tích lịch sử dừng đón khách, các bảo tàng, thư viện không có người ghé thăm, các chương trình nghệ thuật bị hủy bỏ… Ðời sống văn hóa nghệ thuật gần như bị đóng băng. Song chính nguyên nhân khách quan ngoài mong muốn này đã tạo cú huých, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật diễn ra nhanh hơn. Giờ đây muốn tồn tại, các đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật buộc phải tìm cách thích ứng với tình hình mới. Các nghệ sĩ vốn quen những cách thức sáng tạo truyền thống cũng dần phải thích nghi với bối cảnh mới, và việc nắm bắt, khai thác những lợi thế của công nghệ mở ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động nghề nghiệp.
Chính nhờ vậy, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, công chúng đã được chứng kiến sự ra đời của những mô hình “Nhà hát cách ly”, “Dàn giao hưởng tại nhà”; có cơ hội trải nghiệm bảo tàng kỹ thuật số; thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tuyến; tham gia các sàn giao dịch sách trên mạng, đọc sách online; hoặc ngồi tại nhà vẫn có thể tìm kiếm tài liệu trên các thư viện số… Nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các hoạt động của mình, không ít đơn vị, cá nhân đã triển khai nhiều chương trình, dự án văn hóa tạo được tiếng vang. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn bộc lộ sự lúng túng, trì trệ, thậm chí có tâm lý thụ động, chờ đợi đến lúc dịch bệnh vắng bóng. Song sự chờ đợi càng kéo dài càng khiến cho văn hóa nghệ thuật trở nên tụt hậu, đánh mất vai trò trong đời sống xã hội.
Tích cực ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ giúp xây dựng một môi trường số hóa, đáp ứng được xu thế của thời đại và yêu cầu của xã hội.
Không chỉ đơn thuần giúp lưu trữ thông tin, bảo tồn các di sản, tư liệu quý hiếm…, nếu biết khai thác lợi thế của công nghệ còn giúp cho việc tiếp cận của công chúng trở nên dễ dàng, sự lan tỏa, hiệu quả quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc không ngừng được nhân rộng, vượt ra ngoài giới hạn thời gian, không gian. Như Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhờ quá trình tư liệu và số hóa di sản, đã thực hiện thành công nhiều hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Ðịnh, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh…
Công nghệ chính là chìa khóa của sự phát triển. Bởi vậy, xây dựng môi trường số hóa trong lĩnh vực văn hóa là điều chúng ta cần sớm triển khai một cách đồng bộ, có chiến lược lâu dài, góp phần định vị và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.