Mối quan hệ hợp tác Việt-Anh lên mức cao hơn, sâu hơn và tin cậy hơn

NDO -

Dư luận báo chí tại Anh và châu Âu những ngày qua quan tâm đưa tin đánh giá cao về kết quả chuyến thăm Anh của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng như phân tích về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực trong thời gian sắp tới và trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều không gian, dư địa hợp tác

Tại Anh, trước thềm chuyến thăm, ngày 27/6, trang tin Vauk.org (Anh) đăng bài “Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Anh”. Tờ báo đánh giá Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được biết đến là nhà lãnh đạo bản lĩnh, có tầm nhìn và tư duy đột phá, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính.

Trong bài viết nêu bật ý nghĩa và mục đích chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam không những tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác theo kênh nghị viện mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương nhất là trong xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật, khung pháp lý.

Trên cơ sở kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua, bài báo đánh giá quan hệ Đối tác Chiến lược Anh-Việt Nam còn nhiều không gian, dư địa để phát triển, đạt mức độ hợp tác cao hơn, sâu hơn và tin cậy hơn khi hai bên đều coi trọng, đánh giá cao vai trò, vị trí của nhau cả về hợp tác song phương và đa phương.

Nội dung bài viết cho biết, Anh là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, có tiềm lực về quân sự, công nghệ, có trình độ phát triển cao trong nhiều lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế.

Sau Brexit, Anh đẩy mạnh triển khai chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, mở rộng quan hệ đối tác thương mại, đầu tư mới để gây dựng lại vị thế của một cường quốc. Anh ngày càng gia tăng gắn kết lợi ích với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN (8/2021), tích cực đàm phán để sớm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Trong khi đó, Việt Nam ngày càng thể hiện là thành viên tích cực tại các tổ chức quốc tế, khu vực (Liên hợp quốc, ASEAN), nhất là vừa đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Hiện, Việt Nam đang ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, tiến bộ và phát triển của thế giới. Tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam rất ổn định và nền kinh tế còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.

Trước đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam tăng trưởng trung bình 7%/năm. Trong năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam song nước này vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương (2,6%). Việt Nam còn có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng phát triển, nguồn nhân lực dồi dào, cơ chế, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng…

Chuyến thăm Anh của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam lần này sẽ góp phần thúc đẩy những điểm tương đồng lợi ích nói trên giữa hai nước, tăng cường lòng tin chiến lược, mở ra nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chia sẻ nhiều giá trị chung

Các trang tin usanewslove.com, northnewsnow.com (29/6) nhấn mạnh phát biểu của Hạ nghị sĩ Wayne David, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ quan tâm đến Việt Nam cho rằng, quan hệ Việt Nam-Anh nói chung và quan hệ nghị viện giữa hai nước được hình thành và phát triển trong gần 50 năm qua, nhờ hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung như tôn trọng chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế, nhân quyền và các nguyên tắc thương mại toàn cầu.

Báo dẫn lời Hạ nghị sĩ Wayne David cũng nhấn mạnh, Việt Nam và Anh cùng chung quan điểm Liên hợp quốc là tổ chức quan trọng của thế giới và Hiến chương Liên hợp quốc là cơ sở đặc biệt quan trọng để hai nước hình thành sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố và phát triển quan hệ song phương trong tương lai.

Mối quan hệ hợp tác Việt-Anh lên mức cao hơn, sâu hơn và tin cậy hơn -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Anh John Mcfall. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc Chủ tịch Quốc hội gặp làm việc với Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Anh và với các thành viên Chính phủ như Phó Thủ tướng D.Raab, Bộ trưởng Nội vụ P.Patel cho thấy, đây không chỉ là chuyến thăm chính thức mà còn là chuyến thăm thiết thực khi hai bên cùng trao đổi rất nhiều vấn đề quan trọng đối với cả hai nước.

Tại Bỉ, các trang Eutoday, Redaconews (trong các ngày 26 và 27/6) đăng bài “Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN và châu Âu trong ứng phó với những thách thức mới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “EU-ASEAN có vị trí vững chắc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, trong đó đề cao vai trò của ASEAN và Việt Nam ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; quan hệ Việt Nam và các nước châu Âu những năm qua đã có những bước chuyển đáng kể, nhất là khi Hiệp định tự do thương mại EVFTA, UKVFTA chính thức có hiệu lực và các bên đang tích cực để thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA.

Cơ quan truyền thông, báo chí Bỉ nêu chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến một số nước châu Âu lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo hai bên trao đổi, củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác cả về song phương và đa phương.

Việt Nam là cầu nối hiệu quả giữa EU-ASEAN

Tại Italia, trang tin “Thông tấn xã Italia (agenziastampaitalia.it) và marx21.it đăng tải hai bài viết tiêu đề “Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ thăm châu Âu” và “Tuyên bố của Việt Nam tại châu Âu về việc gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc” khẳng định, Italia coi Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa EU-ASEAN nói chung và Italia-ASEAN nói riêng.

Hãng tin cũng đề cập Việt Nam ứng cử viên duy nhất được ASEAN đề cử và đang nỗ lực để được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; những tiến bộ vượt bậc về nhân quyền tại Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận; Việt Nam khẳng định luôn thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Tác giả bài viết nhấn mạnh: Với mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị của dân, do dân, vì dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng đấu tranh để người dân trong nước có cuộc sống thịnh vương, tự do, hạnh phúc, đồng thời luôn tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả các giá trị phổ quát về quyền con người

Tại Malta, tờ Times of Malta (ngày 30/6) đăng bài “Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025” đánh giá bên cạnh mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác song phương, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần thúc đẩy các nước châu Âu ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Tờ báo đánh giá cao đóng góp của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò tại các tổ chức quốc tế, khu vực, trong đó có lĩnh vực nhân quyền. Việt Nam đang hội đủ các điều kiện và sẵn sàng đảm nhiệm thành công nếu được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ tới.