Theo tính toán của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, khoản nợ hiện nay tương đương mức 104.497 USD/người Mỹ, 266.275 USD/hộ gia đình và mỗi trẻ em phải "gánh" mức nợ 483.889 USD. Trong khoảng thời gian 12 tháng vừa qua, nợ đã tăng thêm 2,35 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng tương đương 74.401 USD mới mỗi giây. Tốc độ nợ tăng nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế, khi chi phí của các chương trình liên bang được ban hành gần đây đều vượt quá dự toán.
Người đứng đầu Ủy ban, Hạ nghị sĩ Jodey Arrington, coi diễn biến trên là một "mốc đáng lo ngại về sự suy giảm tài chính của quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng".
Rủi ro với nền kinh tế
Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Kết thúc nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, khoản nợ quốc gia tăng từ 8,4 nghìn tỷ USD lên 27,7 nghìn tỷ USD, trong đó hơn một nửa số khoản vay liên quan đến các biện pháp trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra dưới thời Tổng thống Biden, với nợ quốc gia đã vượt mốc 35 nghìn tỷ USD.
Mặc dù lãi suất đi vay có phần giảm trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Biden, nhưng đang tăng tốc, riêng 7 tháng từ đầu năm 2024, nợ công đã thêm 1.000 tỷ USD.
Lo ngại về chính sách tài khóa của Mỹ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo thâm hụt ngân sách và mức nợ của Mỹ gây "rủi ro ngày càng tăng" đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Theo IMF, thâm hụt và nợ cao như vậy có thể dẫn đến chi phí tài chính cao hơn và làm tăng rủi ro đối với việc chuyển đổi một cách suôn sẻ các nghĩa vụ đáo hạn. IMF lưu ý thêm, những khoản thâm hụt tài chính kinh niên này thể hiện sự sai lệch chính sách đáng kể và dai dẳng, cần được giải quyết khẩn cấp.
"Bong bóng nợ công" tại Mỹ tăng nhanh, vượt dự đoán của các chuyên gia là do nền kinh tế số 1 thế giới đã phải chi tiêu rất nhiều nhằm chống lạm phát, thúc đẩy kinh tế trong và sau đại dịch gần đây. Ngay cả khi chính phủ đề ra những biện pháp đối phó, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, việc đánh thuế người giàu hay cắt giảm ngân sách các chương trình y tế, an sinh xã hội sẽ khó có thể giúp ích nhiều để giảm khoản nợ công khổng lồ hiện nay.
Báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (BCO) vào tháng 6/2024 cho biết, nợ công của nước này sẽ lên tới 56 nghìn tỷ USD vào năm 2034, vì chi tiêu ngân sách và lãi vay cao hơn so với khoản thu từ tiền thuế. Số liệu cho thấy, bình quân kho bạc Mỹ đã trả khoảng 89 tỷ USD chi phí lãi vay cho khoản nợ công tồn đọng trong tháng 3/2024, tức là khoảng 2 triệu USD/phút.
Thêm vào đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) không hạ lãi suất càng khiến tình hình nợ công của chính phủ bi đát hơn. Hàng loạt chương trình hỗ trợ nền kinh tế như Ðạo luật chống lạm phát (IRA), qua đó chi hàng tỷ USD hỗ trợ công nghệ, xe điện, nhà máy chip... càng khiến tình hình nợ công trở nên tệ hơn.
Thậm chí, tờ Thời báo New York nhận định, việc cả hai ứng cử viên Tổng thống là Donald Trump và Kamala Harris không nhắc nhiều đến vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công trong chiến dịch tranh cử cho thấy "bong bóng nợ công" có nguy cơ còn phình to nữa trong tương lai.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ lại cho rằng khoản nợ công hiện nay là hợp lý so với quy mô nền kinh tế. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2024, Bộ Tài chính Mỹ đã vay 234 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự đoán.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, con số trên là hợp lý nếu so sánh với quy mô kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Nhà trắng có kế hoạch tăng thuế với giới nhà giàu và các doanh nghiệp nhằm cắt giảm 3 nghìn tỷ USD thâm hụt ngân sách.
Nỗi lo thâm hụt ngân sách
Tại châu Âu, nợ công tại nhiều nước cũng tăng cao. Ủy ban châu Âu khuyến cáo, Pháp, Italia và 5 quốc gia khác nên bị kỷ luật vì thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn của EU.
Tại Anh và Pháp, nợ công gần đạt mức cao nhất nhiều thập niên, khi chi tiêu của chính phủ và thâm hụt ngân sách tính trên GDP đã cao hơn đáng kể so với mức trước đại dịch. Trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn mờ nhạt, thì chi phí đi vay tăng cao và nhu cầu chi tiêu tiếp tục leo thang, từ ngân sách quốc phòng đến lương hưu cho người già.
Tại châu Âu, nợ công tại nhiều nước cũng tăng cao. Ủy ban châu Âu khuyến cáo, Pháp, Italia và 5 quốc gia khác nên bị kỷ luật vì thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn của EU.
Pháp có thâm hụt ngân sách là 5,5% GDP vào năm 2023, tăng từ mức 4,8% GDP năm 2022 và cao hơn giới hạn 3% GDP theo quy định của EU. Nợ công của Pháp là 110,6% GDP vào năm 2023. EC dự đoán con số này sẽ tăng lên 112,4% trong năm nay và lên 113,8% vào năm 2025 trong khi giới hạn của EU là 60%. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư dự báo núi nợ công nước này sẽ còn cao hơn.
Văn phòng Kiểm toán công quốc gia Pháp cảnh báo, tình hình tài chính công và mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng ở nước này là đáng lo ngại, đặt đất nước vào tình thế nguy hiểm nếu xảy ra cú sốc kinh tế vĩ mô mới. Ðiều quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là giảm thâm hụt công.
Sự chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách cơ cấu thực chất khiến chi phí nợ công ngày càng cao trong khi vấn đề này vốn đã trầm trọng. Ðiều này đã cản trở các khoản chi tiêu khác, giảm khả năng đầu tư và khiến nước Pháp rơi vào tình thế nguy hiểm trước nguy cơ cú sốc mới về kinh tế vĩ mô.
Tại Anh, nợ công cũng tăng lên 104% GDP, từ mức 86% năm 2019 và 43% năm 2007. Cuối năm 2022, Thủ tướng Anh khi đó tuyên bố cắt giảm thuế và vay mượn quy mô lớn, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, đẩy thị trường tài chính Anh vào hỗn loạn. S&P Global cho rằng, cuộc hoảng loạn này là lời cảnh báo rõ ràng cho các chính sách phớt lờ vấn đề nợ công. Sau khi giành chiến thắng áp đảo hồi đầu tháng 7 vừa qua, chính phủ Công đảng tại Anh đã dành phần lớn thời gian trong 3 tuần nắm quyền đầu tiên để xem xét vấn đề nợ công và quản lý các lĩnh vực trong chính sách công.
Theo Capital Economics, thâm hụt nợ công ở nhiều nước phát triển cao hơn 3 điểm phần trăm so với mức trước dịch. Một phần nguyên nhân do lãi suất cao hơn và chi tiêu không liên quan đến Covid-19 cũng tăng.
Ngay cả Ðức, hình mẫu về sự thận trọng tài chính, cũng đã rơi vào thâm hụt ngân sách từ trạng thái thặng dư những năm 2010. Sau nhiều tháng đàm phán khó khăn, liên minh ba bên của Thủ tướng Olaf Scholz mới đây tuyên bố đạt thỏa thuận tuân thủ các quy định vay mượn nghiêm ngặt, nhưng đồng thời tìm ra biện pháp nhằm phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy chi tiêu quân sự. Tại Italia, Thủ tướng Giorgia Meloni cũng trấn an các nhà đầu tư bằng cách công bố kế hoạch giảm chi tiêu.
Lần đầu tiên nợ công Mỹ chạm con số báo động, trong khi nhiều nước châu Âu cũng nguy cơ bị "chìm" trong nợ công. IMF cảnh báo, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công của Mỹ trở thành mối đe dọa không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu và vấn đề này cần được giải quyết nhanh chóng. Chính phủ các nước đang vật lộn với khối nợ công được khuyến nghị thực hiện thêm các biện pháp tài chính và chi tiêu có trách nhiệm hơn, với mục tiêu hạ nhiệt "bong bóng nợ công" đang phình lên nhanh chóng.