Đại đa số người dân vẫn đang mua bán đất dự án không công khai. Lợi dụng tâm lý này, bọn tội phạm nhà đất lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình là vụ môi giới bán nhà thuộc dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long của Công ty Cổ phần phát triển kinh tế Hà Nội có trụ sở tại 33 Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình vừa bị phát hiện tháng 10 vừa qua.
40 nạn nhân chung một chiêu lừa
Thu tiền đặt cọc 5.000 USD/suất, thu thêm tiền vênh 20 - 30 nghìn USD/1 hợp đồng và hứa với khách hàng sẽ ký được hợp đồng mua nhà vào tháng 6-2004. Nhưng trên thực tế, Công ty Cổ phần phát triển kinh tế không có quyền bán bất kỳ nhà, đất nào trong dự án lớn này của Ciputra. Với chiêu lừa “mua biệt thự dự án Ciputra rất khó khăn”, “Công ty Cổ phần đầu tư phát triển kinh tế Hà Nội là một đối tác của Công ty Ciputra nên có vài chục suất nhà biệt thự đã được duyệt”... Ban giám đốc của Công ty Cổ phần phát triển kinh tế Hà Nội gồm: Nguyễn Đức Lợi - Tổng giám đốc, Nguyễn Khắc Bi (tức Hùng) - Phó tổng giám đốc và Dương Bá Cơ ở Cầu Giấy đã “lên kế hoạch” chiếm đoạt trên 800.000 USD và đã chiếm đoạt được 200.000 USD của 40 khách hàng đầu tiên.
Sau khi xác minh nhóm đối tượng trên, Ban giám đốc Công an Hà Nội đã phê duyệt cho xác lập chuyên án để tổ chức đấu tranh. Ngày 12-10, ngay sau khi làm việc với Công ty TNHH Phát triển khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra) về việc làm rõ hoạt động của nhóm đối tượng lừa đảo nêu trên, cơ quan Công an Hà Nội phát hiện:
Thứ nhất, Công ty Ciputra không ủy quyền cho bất cứ tổ chức cá nhân nào đứng ra làm trung gian bán nhà trong khu đô thị mới Nam Thăng Long.
Thứ hai, Công ty Ciputra chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến bán nhà dự án tại một địa chỉ duy nhất là văn phòng marketing tại dự án.
Thông tin về dự án này đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng 40 nạn nhân trong vụ án này do không tìm hiểu kỹ và thiếu thông tin về dự án nên đã tin tưởng, chấp nhận tiêu cực đặt cọc cho nhóm đối tượng trên.
Trong vụ án này, sở dĩ hàng chục người đã tin Dương Bá Cơ để nộp tiền mua biệt thự dự án Ciputra là do Cơ cho biết công ty của y đã có vài chục suất đã được duyệt thuộc chủ quyền bán của công ty mà Cơ là trưởng phòng kinh doanh. Cơ đưa cho họ bản đăng ký mua nhà theo mẫu của công ty Ciputra bằng chữ nước ngoài để họ tin. Sau đó, Cơ thỏa thuận với khách hàng thời gian được ký hợp đồng là tháng 6-2004, sau đó tổ chức ký hợp đồng giữa công ty của Cơ với khách hàng. Vì thế tất cả khách hàng phải đặt cọc cho Cơ là 5.000 USD/suất.
Điều cần nói hơn cả trong các giao dịch về nhà đất hiện nay ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, là hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh nhà đất ít khi công khai, quảng bá thông tin về khu đất hay chung cư mà đơn vị mình đang quản lý tới người dân. Người có nhu cầu thật sự về nhà đất thường phải qua các “cò” nhà đất mà ít khi được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư. Chính vì phải qua những khâu trung gian như vậy nên đã nảy sinh tiêu cực và người mua chấp nhận đáp ứng các tiêu cực đó.
Cần có thông tin đầy đủ và chính xác
Trong thời gian tới Hà Nội sẽ có quy định về việc niêm yết thông tin về các dự án như chung cư, hay nhà biệt thự, nhà vườn tại địa bàn Hà Nội để người mua có thể tìm thấy thông tin chính xác về bất động sản mà mình muốn sở hữu. Hoặc người mua nhà có thể tìm thấy thông tin cần thiết ở các trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng là một phương án ưu việt để chống lại nạn cò mồi nhằm nâng giá vô tội vạ với những người thiếu thông tin.
Theo thượng tá Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội: “Chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa trong đấu tranh chống lại dạng tội phạm mới này”. Đặc biệt, cần có luật trong môi giới nhà đất để tình trạng lộn xộn như hiện nay không còn đất phát triển. Hơn ai hết, chính người dân cần tìm hiểu thông tin kỹ càng, cũng cần xóa bỏ tâm lý chấp nhận tiêu cực khi đi mua nhà là phải “phong bao, phong bì” cho các chủ dự án của Nhà nước hay các “cò” môi giới hiện nay.
Trở lại vụ án lừa đảo trên, Công an Hà Nội khẳng định rằng: các tổ chức cá nhân giới thiệu bán nhà trong dự án khu đô thị Nam Thăng Long là bất hợp pháp. Cơ quan Công an sẽ xử lý nghiêm khắc tất cả các cá nhân, tổ chức môi giới và coi đó mang tính chất lừa đảo vì Ciputra Hà Nội chỉ bán nhà tại một điểm duy nhất tại phòng marketing. Suy rộng ra, các đơn vị đang kinh doanh nhà đất, chung cư cũng cần phải có những kênh thông tin về dự án của mình tránh hiện tượng “cò” môi giới thoải mái nâng giá để người bị thiệt hại chỉ là người dân. Thượng tá Nguyễn Đức Long cho biết thêm: “Ngoài việc lừa đảo nói trên theo tài liệu bước đầu không dừng lại ở một doanh nghiệp này mà có thể trở thành tình trạng tương tự ở một số doanh nghiệp khác”.
Trong thời gian tới, Công an Hà Nội sẽ đấu tranh mạnh vào dạng tội phạm mới này, đồng thời sẽ tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của một số đối tượng có hành vi biểu hiện lừa đảo trong hoạt động môi giới nhà đất trên địa bàn Hà Nội.