Mối đe dọa tấn công mạng gia tăng

Trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động xã hội được chuyển sang môi trường trực tuyến, khiến người sử dụng internet phải đối mặt nguy cơ gia tăng của các loại mã độc, email lừa đảo, hành vi trộm cắp danh tính, tống tiền…

Hội nghị tại Israel mô phỏng cuộc tấn công mạng vào hệ thống tài chính toàn cầu. (Ảnh: REUTERS)
Hội nghị tại Israel mô phỏng cuộc tấn công mạng vào hệ thống tài chính toàn cầu. (Ảnh: REUTERS)

Theo các chuyên gia an ninh mạng, tình trạng tấn công, đánh cắp dữ liệu sẽ còn tiếp tục gia tăng, không chỉ với người dùng cá nhân mà với cả các doanh nghiệp và chính phủ.

Cuộc khảo sát về mức độ rủi ro đối với doanh nghiệp do Công ty bảo hiểm công nghiệp Allianz Global Corporate & Specialty (Đức) thực hiện và công bố mới đây chỉ ra, nguy cơ bị tấn công mạng được xem là rủi ro lớn nhất, xếp trên gián đoạn chuỗi cung ứng và thảm họa thiên nhiên, đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong năm nay. Quy mô thị trường an ninh mạng toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhanh, lên mức 376,32 tỷ USD vào năm 2029 từ 155,83 tỷ USD của năm 2022.

Trong bối cảnh dịch bệnh, tội phạm mạng đã nhanh chóng tận dụng các lỗ hổng an ninh mạng trong thời kỳ làm việc tại nhà, do các tổ chức không kịp thay đổi để đáp ứng bảo đảm an toàn cho người lao động làm việc từ xa, bên ngoài các trụ sở hoạt động tập trung. Thông qua các máy tính không đủ tính năng bảo mật, tin tặc tìm cách đưa mã độc xâm nhập hệ thống mạng nội bộ của các công ty, tổ chức hoặc doanh nghiệp để mã hóa các dữ liệu, rồi sau đó đòi một khoản tiền chuộc để mở khóa các thông tin này.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản mới đây dẫn nguồn Công ty an ninh thông tin Mitsui Bussan Secure Directions cho biết, nhóm tin tặc Pandora đã chiếm đoạt thông tin hơn 157.000 đơn đặt hàng, thư điện tử và tài liệu-tổng cộng 1,4 terabytes dữ liệu mật của Denso, nhà cung cấp phụ tùng chính cho Tập đoàn sản xuất ô-tô Toyota.

Người phát ngôn của Denso cho biết, hãng đã phát hiện tin tặc sử dụng mã độc để truy cập hệ thống mạng của Công ty Denso Automotive Deutschland GmbH - một chi nhánh hãng tại Đức, với mục đích tống tiền. Tháng 2/2022, Toyota cũng từng phải tạm dừng hoạt động 28 dây chuyền sản xuất ở 14 nhà máy tại Nhật Bản do hệ thống máy tính của Tập đoàn công nghiệp Kojima, một nhà cung cấp linh kiện bằng nhựa, đã gặp trục trặc sau khi bị tấn công mạng.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính Mỹ, chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng số tiền các nạn nhân ở nước này phải trả liên quan các vụ tống tiền bằng mã độc đã lên tới 590 triệu USD, cao hơn 42% số tiền các doanh nghiệp, tổ chức đã trả cho tin tặc trong cả năm 2020 (khoảng 416 triệu USD), thậm chí số tiền thực tế có thể lên tới hàng tỷ USD.

Giới chức tư pháp Mỹ cảnh báo, các mục tiêu tấn công rất đa dạng, gồm các nhà sản xuất phần mềm máy tính, các công ty cung cấp mạng viễn thông, truyền thông xã hội, công ty trò chơi điện tử, tổ chức phi chính phủ, trường đại học, nhóm chuyên gia cố vấn và cả các chính khách…

Công ty an ninh mạng Mandiant cho biết, từ tháng 5/2021 đến tháng 2/2022, nhóm tin tặc APT41 được cho là đã tấn công các trang mạng của chính phủ tại 6 bang ở Mỹ bằng cách tận dụng các kẽ hở, điểm yếu an ninh trong các chương trình có kết nối internet, như ứng dụng thông báo sức khỏe động vật trên các thiết bị cá nhân.

Đầu năm 2022, Bộ Tư pháp Pháp và Bộ Ngoại giao Canada cũng đã trở thành nạn nhân của những vụ tấn công mạng, ngăn cản các cơ quan này tiếp cận nền tảng dịch vụ trực tuyến. Cơ quan an ninh mạng liên bang của Canada cũng đã đưa ra khuyến cáo với Chính phủ để tăng cường bảo mật cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu trước các mối đe dọa về an ninh mạng.

Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên môi trường mạng ngày càng gia tăng, do tin tặc có thể nắm được quyền truy cập vào bất kỳ cơ sở dữ liệu của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, đánh cắp dữ liệu có giá trị, cài đặt phần mềm độc hại, hay xóa thông tin quan trọng... Giống như dịch bệnh, các chuyên gia an ninh khuyến cáo, mọi cá nhân, tổ chức đều cần chuẩn bị khả năng ứng phó trường hợp bị tấn công.