Mối đe dọa khủng bố xuyên Ðại Tây Dương

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blinh-ken) đã tới Italia trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu và đồng chủ trì Hội nghị liên minh chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Thực thi chính sách củng cố mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) thúc đẩy hợp tác với các đồng minh châu Âu nhằm giải quyết mối đe dọa khủng bố gia tăng.

Mối đe dọa khủng bố xuyên Ðại Tây Dương

Sau gần bảy năm thành lập, liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu và có sự tham gia tích cực của các đồng minh châu Âu, đã đập tan mưu đồ thành lập một "Vương quốc Hồi giáo" trên các vùng lãnh thổ Syria (Xy-ri) và Iraq (I-rắc), song chưa hoàn thành mục tiêu "xóa sổ" tổ chức cực đoan nguy hiểm này. Sau khi bị đánh tan tác ở Trung Ðông, nhiều chiến binh trong hàng ngũ IS đã "hồi hương" để phối hợp với những "sói đơn độc" trong nước, tạo ra nguy cơ lớn cho an ninh Mỹ và châu Âu, gây bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới.

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đang ở thời điểm chứng kiến nhiều thay đổi, trong bối cảnh Mỹ đã có những điều chỉnh phân bố lực lượng tại Trung Ðông. Mỹ đang rút dần lực lượng khỏi Syria và Iraq, hai địa bàn từng là "điểm nóng" về chống khủng bố. Sau khi cắt giảm binh sĩ đồn trú ở Iraq xuống còn 2.500 người, Lầu năm góc thông báo cắt giảm số binh sĩ và các đơn vị phòng không ở Trung Ðông, trong đó đưa tám khẩu đội tên lửa Patriot ra khỏi khu vực này.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn đối mặt những rủi ro tiềm ẩn về an ninh. Kể từ đầu năm đến nay, xảy ra hơn 40 vụ tiến công nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq. Mới đây xảy ra ba vụ tiến công bằng máy bay không người lái gần thành phố Erbil (Éc-bin), nơi đặt tòa lãnh sự quán Mỹ. Ðể đáp trả các vụ tiến công này, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho quân đội Mỹ không kích các mục tiêu tại khu vực biên giới Iraq - Syria, nơi tập trung một số cơ sở của các nhóm vũ trang được cho là do Iran hậu thuẫn.

Trong khi đó, mối đe dọa từ các phần tử cực đoan trỗi dậy trong nước cũng khiến Mỹ và nhiều nước châu Âu đau đầu. Theo Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ khủng bố trong nước đã tăng gấp đôi từ năm 2017. Chính phủ Mỹ đã công bố chiến lược quốc gia nhằm chống khủng bố trong nước. Tại châu Âu, Hạ viện Pháp đã nhất trí siết chặt luật chống khủng bố, trong bối cảnh từ năm 2015 đến nay, Pháp đã hứng chịu làn sóng tiến công khiến hơn 250 người chết.

Tại cuộc gặp người đồng cấp Italia, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất và mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Italia. "Cái bắt tay" chặt giữa hai nước này nói riêng và giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu nói chung đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS, góp phần bảo đảm an ninh xuyên Ðại Tây Dương.