Mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng

Từ cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm nay, tác động do thiếu hụt đơn hàng từ nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp gia công xuất khẩu mặt hàng may mặc, da giày, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng... ở thành phố, khiến thị trường lao động lớn nhất nước đối diện không ít khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00

Với thâm niên mười năm làm việc, được Công ty Pou Yuen thỏa thuận hỗ trợ số tiền khoảng 120 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Lanh (quê Quảng Ngãi) gật đầu tự trấn an mình trong tình thế khó khăn chung mà người lao động mất việc được công ty hỗ trợ thêm một khoản tiền ngoài các chế độ luật quy định, xem như là "của để dành" xoay xở tiếp tục mưu sinh. Công ty Pou Yuen cam kết sẽ chi trả tiền hỗ trợ thêm cũng như giải quyết đầy đủ các chế độ theo luật định cho 2.358 lao động mà công ty "thỏa thuận" cho nghỉ việc kể từ ngày 1/4 tới đây.

Một số công ty khác cũng bị ảnh hưởng bởi đơn hàng sụt giảm thời điểm cuối năm 2022 đã khiến hàng nghìn người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động, mất việc. Nhiều công ty đã áp dụng cho công nhân nghỉ ngày thứ bảy hoặc nghỉ luân phiên để bảo đảm thu nhập. Giảm sút đơn hàng, doanh thu ảnh hưởng nặng nề vẫn có thể gồng gánh được nhưng điều khiến chủ doanh nghiệp "mất ăn mất ngủ" chính là lập phương án sử dụng lao động sao cho phù hợp, bố trí công việc làm như thế nào để sản phẩm vẫn phân phối sản xuất đều đặn, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động. Đây chính là vấn đề nan giải nhất mà không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt...; và phương án cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất đã được các doanh nghiệp thực hiện vì không có đường lùi.

Trong tình thế khó khăn, vẫn có nhiều doanh nghiệp xoay trở để "cầm" được đơn hàng. Một công ty gia công ngành hàng may mặc xuất khẩu đóng ở quận Tân Bình đã tìm được đối tác ở thị trường châu Âu và châu Á nên sản lượng đơn hàng sụt giảm chỉ nằm ở con số dưới 20%. Giám đốc nhân sự công ty này cho hay, bên cạnh thị trường truyền thống là Mỹ, châu Âu, công ty đã chủ động tìm thêm đối tác ở Nhật Bản, Hàn Quốc nên đơn hàng nơi này bù nơi kia. Như vậy, "chia trứng thành nhiều rổ" chính là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp vào lúc này. Thực tế này cũng được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng ở khu chế xuất, khu công nghiệp vận dụng, qua đó giúp ổn định tương đối đơn hàng trong thời điểm khó khăn chung.

Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, qua diễn biến thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và thị trường lao động ở các thành phố lớn nói chung, chúng ta có thể nắm bắt được quá trình chuyển đổi lao động và ngành nghề nào đang gặp khó khăn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp, cơ quan quản lý có phản ứng kịp thời, kết nối cung cầu lao động vì thực tế có doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động thì vẫn có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Việc cắt giảm lao động do quá trình chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo ngành lĩnh vực sẽ làm chuyển dịch cơ cấu lao động. Có thể trong thời gian tới một số doanh nghiệp thâm dụng lao động trên địa bàn thành phố sẽ không là ưu tiên đối với các nhà đầu tư vì giá trị, mặt bằng nhân công cao; sẽ có quá trình chuyển dịch về địa bàn khác do chi phí, nhân công, đất đai rẻ hơn…

Về hướng đi lâu dài, với những khó khăn của doanh nghiệp, đòi hỏi chính quyền và các ngành cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn mang tính tổng thể; trong đó, có các chính sách về hỗ trợ vốn tín dụng, hỗ trợ về thuế, giá thuê đất… Các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, liên kết để kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới.