Mở rộng hợp tác Việt Nam-Pháp

NDO - Sáng 6/6, tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher mong muốn Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác liên nghị viện giữa hai nước, phối hợp chặt chẽ và triển khai hiệu quả các dự án kinh tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Khải Hoàn)
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Khải Hoàn)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp, ngày 6/6, tại Thủ đô Paris, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tiếp kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, gặp và làm việc với Phó Chủ tịch Thượng viện, nguyên Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent.

Trong trao đổi với lãnh đạo Thượng viện Pháp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn lãnh đạo Thượng viện Pháp đã dành thời gian tiếp đoàn và khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Pháp, từ các kênh hợp tác Chính phủ đến hợp tác giữa Quốc hội, hợp tác Đảng.

Mở rộng hợp tác Việt Nam-Pháp ảnh 1

Lãnh đạo Thượng viện Pháp tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Minh Duy)

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hơn nữa giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher và nhấn mạnh những kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Chủ tịch Thượng viện Pháp.

Lãnh đạo Thượng viện Pháp hoan nghênh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược; nhấn mạnh sự gắn bó giữa nhân dân hai nước và tin tưởng chuyến thăm Pháp lần này của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực.

Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher đánh giá cao thành công Hội nghị lần thứ 12 hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp vừa qua tại Việt Nam, là kênh hợp tác quan trọng nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, văn hóa giữa hai nước.

Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các dự án kinh tế và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Gerard Larcher cho biết, Pháp ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm việc, học tập và sinh sống tại Pháp, góp phần phát huy vai trò cầu nối quan hệ hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác liên nghị viện giữa hai nước, nhất là thông qua việc trao đổi đoàn các cấp, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế, thúc đẩy hoạt động của Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước…

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp, trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược và còn nhiều tiềm năng hợp tác; tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Lãnh đạo Thượng viện Pháp ghi nhận tích cực đề nghị của Việt Nam về việc sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng IUU của EC đối với hàng thủy hải sản Việt Nam.

Hai bên nhất trí phối hợp, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế...

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên hợp quốc, ASEM, Cộng đồng Pháp ngữ và thúc đẩy hợp tác ASEAN-EU; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt hơn nữa khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ứng phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.