Với việc triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành đã đạt hiệu quả tích cực... qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia ngày càng toàn diện.
Với phương châm “Hoàn thành các chỉ tiêu về độ bao phủ vừa là nhiệm vụ chính trị của ngành, vừa là trách nhiệm với người dân”, năm 2023, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đã đạt được kết quả tích cực, có sự tăng trưởng, phát triển người tham gia so với cùng kỳ trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội chịu tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và thách thức bên trong.
Năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động (kể cả lao động có thâm niên) nhằm cắt giảm chi phí; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng gia tăng.
Vấn đề tìm việc mới để trở lại thị trường lao động của một bộ phận người lao động gặp nhiều trở ngại do các yêu cầu về độ tuổi, năng lực, trình độ không đáp ứng được yêu cầu. Người lao động do gặp khó khăn về thu nhập, nhiều trường hợp đã rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống khiến tình trạng thanh toán bảo hiểm xã hội một lần gia tăng.
Ước năm 2023, có 1.110.422 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng 23,73% so năm 2022…
Tuy nhiên, việc mở rộng độ bao phủ, tiến tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo Nghị quyết của Ðảng, Chính phủ đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Ðến hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt hơn 18,259 triệu người, chiếm 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khoảng hơn 14,693 triệu người đạt 31,58% lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia bảo hiểm y tế khoảng hơn 93,307 triệu người, chiếm khoảng 93,35% dân số toàn quốc. Số tiền thu hằng năm đều tăng và luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2023 số thu toàn ngành ước đạt khoảng 472.381 tỷ đồng, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với việc mở rộng độ bao phủ, công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, tăng cường kiểm soát chống trục lợi quỹ; góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động.
Kết quả năm 2023, ước giải quyết cho 95.670 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, (trong đó có 75.230 người hưởng lương hưu); 1.304.203 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần (trong đó có 1.110.422 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần); 8.849.210 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Về giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đã tiếp nhận 1.050.028 người có quyết định hưởng mới được lập danh sách chi trả trong tháng; số người có quyết định hưởng mới hỗ trợ học nghề tiếp nhận để chi trả là 19.185 người. Công tác chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm kịp thời, đầy đủ.
Kết quả năm 2023, ước chi bảo hiểm xã hội khoảng 292.336 tỷ đồng (trong đó, chi từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 46.615 tỷ đồng, chi từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội khoảng 245.722 tỷ đồng); chi bảo hiểm thất nghiệp khoảng 22.637 tỷ đồng…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện xử lý nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế và kinh phí hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh. Công tác giám định tập trung bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, chủ động kiểm soát việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tăng cường chặt chẽ đúng quy định, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế… Năm 2023 đã có hơn 174,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tương ứng số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Ðồng thời, những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Ðề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt trong mọi hoạt động của ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; các bộ, ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam duy trì thuộc nhóm 5 bộ, ngành dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số quốc gia, qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân. Ðây cũng là tiền đề và động lực để ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.