Nhiều năm qua, gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, ngụ Tổ 3, Ấp 4, xã Tân Quý Tây có năm nhân khẩu thì chỉ có chị là lao động chính. Có thời điểm, hoàn cảnh gia đình rơi vào tình cảnh ngặt nghèo, giật gấu vá vai. Có nghề may nhưng lại thiếu phương tiện nên khi nhận được chiếc máy vắt sổ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh trao tặng, chị mừng khôn xiết vì với phương tiện này chị sẽ bớt đi được nhiều giờ công lao động và hiệu quả công việc lại tăng lên. Nhờ đó, đời sống kinh tế của gia đình chị ngày một tốt hơn, có điều kiện chăm lo cho gia đình, các con được yên tâm học tập.
Còn tại Ấp 4, xã Quy Đức, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ cũng là một trong các hộ thoát nghèo nhờ vào chính sách “Sinh kế trao tay - Tương lai bền vững” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện triển khai. Hai vợ chồng làm công nhân, thu nhập không ổn định lại thêm con nhỏ, gia đình chị nhiều lần rơi vào hoàn cảnh thiếu trước, hụt sau. Từ khi nhận được phương tiện sinh kế là chiếc máy may, chị đã nhận gia công may đồ cho các cơ sở trên địa bàn. Chồng chị Huệ nhận làm công chăm sóc ao nuôi thủy sản cho một hộ dân bên cạnh nên giờ đây cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn.
“Sinh kế trao tay - Tương lai bền vững” là mô hình được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh triển khai từ năm 2016 đến nay. Với việc thực hiện hiệu quả trình tự từng bước từ xây dựng và triển khai kế hoạch; xác minh và cung cấp phương tiện sinh kế, quan tâm, thăm hỏi, động viên các hộ dân được hỗ trợ phương tiện sinh kế, đồng thời kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng phương tiện sinh kế đã trao, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã vận động hỗ trợ 403 phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để giúp 338 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ dân sử dụng hiệu quả đạt 83,87%. Ông Huỳnh Văn Phạm Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh cho biết: Qua rà soát, nắm bắt nhu cầu của một số hộ dân nhận thấy nhiều hộ có ý chí vươn lên thoát nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, kinh doanh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” đã tập trung rà soát, phúc tra nhu cầu của các hộ để giúp họ có việc làm, phương tiện tạo ra nguồn thu nhập ổn định, từ đó vươn lên thoát nghèo căn cơ, bền vững.
Nhiều năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ, toàn huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp từng địa bàn, trong đó, chú trọng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ, khuyến khích các mô hình phù hợp với người nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo để nâng cao mức sống, quan tâm hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, dịch vụ xã hội khác cho người nghèo. Có thể kể đến một số mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Mô hình “Bình Chánh chung tay, giúp nhau vượt khó”, “Sinh kế trao tay - Tương lai bền vững”, “Doanh nghiệp đồng hành cùng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn”, “Đỡ đầu học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi”, “Trao gửi yêu thương”,…
Ông Võ Minh Hiển, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bình Chánh cho biết, hằng năm, huyện lập kế hoạch nhu cầu vốn đề nghị thành phố ưu tiên cho vay hỗ trợ giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm,… giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ diện chính sách khác có nhu cầu vay vốn sản xuất nhằm cải thiện, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho các hộ. Giai đoạn 2021-2023, huyện đã hỗ trợ 1.201 hộ nghèo, cận nghèo vay với số tiền hơn 61 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Bình Chánh còn 1.871 hộ nghèo, 1.198 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ lần lượt 0,9% và 0,58% so với tổng số dân toàn huyện. Đến giữa nhiệm kỳ 2021-2025, huyện đã giảm được 1.275 hộ nghèo (giảm 0,61%), 801 hộ cận nghèo (giảm 0,37%) ■