Mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh

NDO -

Ngày 18/3, tại TP Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 - Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và phát động "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới".

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phối hợp Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo và một số doanh nghiệp du lịch tại các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương thống nhất đánh giá, hơn 2 năm qua, tình hình thế giới và Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có thời điểm ngành du lịch “đóng băng"…

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều kiến nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long như ưu tiên quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch, công tác quảng bá xúc tiến đầu tư và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch...

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sớm phối hợp các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng; tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch. Trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của đồng bằng sông Cửu Long vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng.

Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Đoàn Văn Việt đề nghị, dịp này các địa phương cần rất chú trọng bảo đảm điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, khoa học và hiệu quả. Cần chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch, tránh những vấn đề đáng tiếc có thể xảy ra.

Mặt khác, các địa phương phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo…; đồng thời, các công ty lữ hành phát huy vai trò trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục liên kết hợp tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Cũng trong dịp này, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết hợp tác phát triển du lịch và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” theo chủ trương của Chính phủ.

Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19