Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu như trên tại “Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả” do Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng chủ trì tổ chức vừa diễn ra tối 15/3 tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mở lại du lịch quốc tế nằm trong mở lại toàn bộ giao thương quốc tế. “Không phải chúng ta tuyên bố mở ngày nào thì ngay ngày hôm đó hay ngay sau ngày hôm đó chúng ta đã có đầy khách. Đây là một quá trình phục hồi mà nước ta hay tất cả các nước phải tính bằng nhiều tháng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay sau hội nghị này, hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa du lịch quốc tế sẽ sớm được ban hành một cách thông thoáng, nhưng bảo đảm theo tinh thần của Nghị quyết 128.
“Đối với khách đi bằng đường hàng không đã vào đây coi như người Việt Nam. Với khách đi đường bộ, đường thủy sẽ khác. Vì nhóm này có thời gian di chuyển dài hơn nên cần có thêm một số quy định bảo đảm an toàn”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều chung quan điểm là Việt Nam cần sớm có hướng dẫn cụ thể với khách quốc tế khi mở cửa du lịch hoàn toàn; chủ trương phải được triển khai nhất quán từ Trung ương đến địa phương; đồng thời ngành du lịch cần nắm bắt được xu hướng thay đổi của khách quốc tế sau 2 năm dịch bệnh, áp dụng công nghệ thông tin cũng như tăng cường đầu tư hơn vào việc quảng bá, xúc tiến.
Câu chuyện từ quốc tế
Từ đầu cầu Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng thông tin, sau 2 năm hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao cả trong và ngoài nước. Nghiên cứu của công ty Phân tích điểm đến cho biết 80% người Mỹ muốn đi du lịch trong vòng 6 tháng tới. Du khách Mỹ luôn xem Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn từ cả góc độ thắng cảnh, lịch sử, văn hóa và ẩm thực. Việt Nam thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp Mỹ dưới góc độ một nền kinh tế năng động, thị trường tiềm năng cho đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó có một lượng lớn người Việt tại Mỹ muốn về thăm thân, đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
“Sau 2 năm đại dịch ta có cơ hội để thu hút khách du lịch Mỹ khi các đường bay thương mại đã được nối lại và Vietnam Airlines có đường bay thẳng từ bờ Tây nước Mỹ tới Thành phố Hồ Chí Minh”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Trái ngược với thói quen của người Mỹ là không thích đi theo tour đông người, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thông tin người Nhật “thích du lịch theo tập thể, qua các công ty lữ hành”, do đó cần vận động để các doanh nghiệp lữ hành đối tác phía Nhật Bản chuẩn bị trước từ 2 tháng.
Hiện Nhật Bản chưa mở cửa với du lịch quốc tế, nhưng có thể sớm mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có thể tận dụng thời điểm người Nhật hay đi du lịch nước ngoài là vào tháng 6,7,8 là thời điểm mùa hè và trẻ em nghỉ học.
Ngoài ra, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết, hiện doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn vào Việt Nam làm ăn, chỉ chờ thời điểm Việt Nam mở cửa. Do đó, trong khi chưa thể đón khách du lịch từ thị trường này, nên có hội nghị cụ thể giữa hai bên để nắm bắt nhu cầu đưa chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam làm việc.
Về việc tiến hành mở cửa cần có sự triển khai thống nhất từ trung ương tới địa phương, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành lấy thí dụ câu chuyện của Australia khi thực hiện mở cửa biên giới.
Vốn là quốc gia mà mỗi bang có những chính sách khác nhau, nhưng tại cuộc họp nội các ngày 11/3 vừa rồi, Australia hoàn toàn nhất trí thống nhất thực hiện chính sách mở cửa với nước ngoài cũng như giữa các bang trong Australia.
Chia sẻ tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần sớm có hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa. Thị trường Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng với nhu cầu du lịch đám cưới, và ngày càng nhiều người trong giới giàu có của nước này quan tâm tới các điểm đến ở Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Ấn Độ còn là thị trường tiềm năng với du lịch MICE tới Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu thông tin, các tập đoàn lớn tại Ấn Độ luôn dành một khoản tài chính cuối năm để thưởng cho nhân viên bằng các chuyến du lịch xa.
“Do đó, chúng ta không cần liên hệ qua công ty lữ hành của Ấn Độ mà nên tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn, các công ty để tổ chức những tour này”, Đại sứ Châu đề xuất.
Đại sứ cũng cho biết, vừa qua một đoàn gồm 250 khách rất muốn vào Việt Nam 5 ngày 4 đêm theo chương trình thưởng cuối năm của một công ty song đã không thể thực hiện chuyến đi vì chưa có hướng dẫn mở cửa cụ thể từ phía Việt Nam.
Các Đại sứ, Trưởng Đại diện cơ quan Việt Nam tại nước ngoài đều cho biết, xu hướng du lịch sau đại dịch của người nước ngoài hiện tập trung vào du lịch bền vững, du lịch xanh, tiết kiệm năng lượng. Do đó, các công ty lữ hành, cung cấp dịch vụ trong nước cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch theo xu hướng này. Đặc biệt, việc bảo đảm an ninh, an toàn dịch bệnh như các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch, cơ sở y tế chất lượng cao cần được quan tâm xây dựng, bắt kịp nhu cầu xu hướng hậu đại dịch.