Mở cửa du lịch cần công bằng với mọi du khách

NDO -

Sáng 3/3, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm "Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh". 

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành du lịch đã và đang xây dựng, làm mới nhiều chương trình tham quan, bảo đảm an toàn đón khách quốc tế trở lại thành phố sau 2 năm đóng cửa phòng dịch.

Cụ thể, thành phố sở hữu hệ thống sông và kênh nội đô thuận lợi, chính vì thế ngành du lịch thành phố đã cùng cùng các doanh nghiệp khai thác sản phẩm gắn với đường thủy như: tour Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; chương trình du lịch trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hoạt động chèo SUP khu vực Thanh Đa, Bình Thạnh, quận 7, huyện Cần Giờ...

Ngoài ra, thành phố còn có nhiều tour tuyến đã được xây dựng và vận hành từ tháng 12/2021 như: Ngày bình yên trên vùng Đất thép; Lắng nghe hơi thở của rừng; Thành phố xanh bên sông Sài Gòn; Bình Chánh - Những điều chưa kể; Thanh bình 18 thôn vườn trầu, Hóc Môn; Từ Sài Gòn xưa đến Thành phố Hồ Chí Minh nay.

Đối với các cơ sở lưu trú, thành phố có 34 khách sạn, với hơn 6.800 phòng đáp ứng đủ yêu cầu về thí điểm đón khách quốc tế năm 2022. Thành phố có gần 60 khách sạn 3-5 sao đủ điều kiện và tiêu chuẩn để đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, 9 điểm du lịch đáp ứng đủ điều kiện đón khách như: Bưu điện Thành phố, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử Thành phố, Bảo tàng Áo dài... Ngoài ra, 6 điểm khác tại thành phố đang hoàn tất hồ sơ thủ tục để được duyệt đón khách quốc tế.

Đối với doanh nghiệp lữ hành, thành phố hiện có 5 doanh nghiệp được thí điểm đón khách quốc tế theo mô hình tour trọn gói là: Saigontourist, Vinasun travel, Hava Cát Travel, TSTtourist và Blue Sky travel. Đối với khách du lịch quốc tế tham quan theo chương trình du lịch trọn gói phải được bố trí khu vực tham quan riêng không tiếp xúc với khách nội địa trong giai đoạn khách tự theo dõi sức khỏe 3 ngày đầu.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị lữ hành cũng chia sẻ thông tin, đưa ra những giải pháp nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến thành phố trong thời gian tới.

Đại diện Vietravel cho biết, thành phố cần xây dựng được thời gian hoạt động về đêm, cần có lộ trình để mở thêm các hoạt động sau 22 giờ. Thành phố cũng cần bổ sung thêm danh sách nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi đủ điều kiện để các doanh nghiệp chủ động đón khách.

Một số ý kiến cho rằng, vấn đề visa nên mở rộng với các nước và đối xử công bằng với khách quốc tế như với du khách Việt Nam. Theo đó, khi họ đáp ứng đầy đủ quy định nhập cảnh và kiểm dịch vào Việt Nam thì không nên áp dụng các quy định khắt khe với du khách quốc tế, có như thế mới có thể thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.