Chú trọng chất lượng
Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam”, tổ chức sáng 21-7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, những năm gần đây xu hướng hợp tác và liên kết quốc tế trong giáo dục ngày càng mạnh, xuất hiện nhiều phương thức linh hoạt với mục đích tạo thuận lợi nhất cho nhu cầu của người học.
Gần đây, ở các nước phát triển, không chỉ gửi học sinh sang các nước có điều kiện tốt hơn để học tập mà còn xuất hiện mô hình đào tạo kết hợp, từ thiết kế chương trình, tới tổ chức giảng dạy, trao đổi học thuật, kiểm định chất lượng và chuẩn đầu ra…
Thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình tốt, không phải không có những chương trình chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó.
“Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng gần 200 chương trình liên kết. Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay, có hơn 400 chương trình liên lết đào tạo của cả nước nhưng chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý. Vì vậy, dư địa để mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác, như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… còn rất lớn.
Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Những năm qua, Việt Nam rất quan tâm việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài. Chính phủ đã tập trung kiện toàn chính sách cho hoạt động này. Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành đã thúc đẩy quá trình tự chủ đại học, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, mở ra nhiều hơn nữa cơ hội thu hút các trường đại học xuất sắc vào Việt Nam. Hiện nay, có năm trường đại học quốc tế đã tới Việt Nam. Và tới đây, sẽ còn thêm các trường khác nữa.
“Nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại trong nước sẽ quá hẹp mà cần khuyến khích học sinh, sinh viên đi du học nhưng vẫn cần tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất. Thông điệp chung là thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế thực sự chất lượng tại Việt Nam”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường đại học.
Minh bạch thông tin
Tại hội nghị, các trường đại học trong nước, trường quốc tế tại Việt Nam, các cơ sở liên kết quốc tế đã đưa ra các ý kiến, kiến nghị chung quanh đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
PGS, TS Đỗ Văn Dũng (Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc liên kết đào tạo quốc tế có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, như: Hai năm học ở Việt Nam, hai năm học ở nước ngoài; ba năm học ở Việt Nam, một năm học ở nước ngoài hoặc toàn bộ cả bốn năm học đều học ở Việt Nam…
Việc liên kết đào tạo quốc tế giúp các trường học hỏi được rất nhiều về phương pháp quản lý, kiểm định, đánh giá… trong đào tạo. Tuy nhiên, ở nước ta việc liên kết đào tạo quốc tế cần chú trọng đến vấn đề ngoại ngữ. Phần lớn các chương trình liên kết đào tạo quốc tế mất cả năm trời cho vấn đề đào tạo ngoại ngữ. Nếu không bảo đảm tốt vấn đề ngoại ngữ, sẽ không khác nào đi học mà mù chữ.
Đáng chú ý, phần lớn ý kiến các trường đều đề nghị, khi liên kết quốc tế cần minh bạch thông tin, tránh trường hợp “đánh lận con đen”, gây hiểu lầm cho người học.
Đại diện Trường đại học Rmit cho rằng, Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý nhà nước cần có những diễn đàn công khai thông tin về liên kết đào tạo quốc tế của các trường. Bảo đảm các trường minh bạch thông tin liên kết quốc tế, không nhập nhèm gây hiểu lầm cho phụ huynh, sinh viên.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục cần có tiếng nói để góp phần giải quyết vấn đề các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu; cũng như sinh viên, học viên gặp vướng mắc trong quá trình ra nước ngoài học tập hoặc về nước do ảnh hưởng của Covid-19…
Đại diện Đại học Anh quốc tại Việt Nam (ảnh dưới) cho rằng, hiện nay có nhiều trường quốc tế đang nhắm tới liên kết đào tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong liên kết đào tạo quốc tế cần chọn đúng đối tác uy tín, thương hiệu.
Đặc biệt, đào tạo quốc tế phải bảo đảm minh bạch về chương trình cung cấp thông tin rõ ràng. Nếu không rõ ràng chương trình đào tạo và các thông tin, các trường quốc tế sẽ không đầu tư, phối hợp.
PGS, TS Phạm Văn Song (Trường đại học Việt Đức) cùng cho rằng, nhiều trường quảng cáo là trường quốc tế hay chương trình đào tạo quốc tế nhưng lại không có thông tin ràng, minh bạch. Như vậy rất dễ gây hiểu lầm cho sinh viên, phụ huynh và xã hội.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần quản lý các thông tin, không để tình trạng đánh đồng các chương trình đào tạo; cần rõ ràng, minh bạch các cơ sở đào tạo, các chương trình quốc tế nhằm bảo đảm chất lượng thực trong liên kết đào tạo quốc tế hiện nay.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được ghi nhận trong danh sách các bảng xếp hạng đại học uy tín gồm: ba trường thuộc top 1.000 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS và THE; tám trường thuộc top 500 đại học tốt nhất châu Á theo xếp hạng của QS. Tại Việt Nam. Hiện có năm trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài; khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Nhờ đó, các trường đại học vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường. Đây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.