Miền trung tạo động lực tăng trưởng mới từ du lịch biển (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Hướng tới phát triển bền vững
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thời gian qua, du lịch của các tỉnh, thành phố ven biển đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng, chiếm hơn 60% tổng thu từ du lịch của cả nước. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và vai trò chủ đạo của du lịch biển đối với từng địa phương cũng như khu vực miền trung và các tỉnh ven biển.
0:00 / 0:00
0:00
Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2024 với nhiều trải nghiệm thể thao hấp dẫn.
Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2024 với nhiều trải nghiệm thể thao hấp dẫn.

Du lịch biển thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác và góp phần bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Trên cơ sở nhận diện rõ những hạn chế và khó khăn của lĩnh vực du lịch biển, các tỉnh, thành phố miền trung đưa ra các giải pháp phù hợp, linh hoạt để tháo gỡ, từ đó phát triển du lịch biển, đảo theo hướng bền vững.

Nhiều khó khăn, lực cản

Cùng với những khởi sắc, việc phát triển du lịch biển của tỉnh Quảng Nam thời gian qua cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở khai thác ven bờ, chưa có nhiều những sản phẩm du lịch đặc trưng, không gian du lịch biển đảo chưa hình thành rõ nét, các sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vùng ven biển chưa được thực hiện đồng bộ, kiên quyết, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Việc phối hợp giữa các ngành trong việc xây dựng chính sách phát triển du lịch biển còn thiếu chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, để khắc phục những bất cập, hạn chế này, tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương liên quan tham mưu, bổ sung quy hoạch sử dụng bờ biển, mặt biển vào quy hoạch của tỉnh, tổ chức không gian, phân vùng sử dụng phù hợp đối với từng loại sản phẩm du lịch biển trên cơ sở đánh giá sức chứa và quản lý sức chứa các điểm đến. Chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, tránh phát triển ồ ạt; đồng thời phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau nhằm giảm cạnh tranh trực tiếp.

Có chuyên gia trong lĩnh vực du lịch từng ví von, ngoài hệ thống hang động kỳ vĩ, độc đáo đã được khai thác và mang lại hiệu quả thì biển Quảng Bình mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn như “nàng tiên chưa tỉnh giấc”, chưa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Điều này thể hiện ở chỗ các sản phẩm du lịch biển ở Quảng Bình hiện chưa đa dạng, chủ yếu là du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng. Trong tổng số 36 sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có hai điểm du lịch địa phương là bãi tắm biển Bảo Ninh và bãi tắm biển Nhật Lệ, chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm còn yếu và thiếu.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng hiện nay. Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, sự thiếu hụt các cơ sở lưu trú từ ba sao trở lên trên địa bàn, nhất là khu vực ven biển đã hạn chế phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Ngoài ra, hạ tầng cầu cảng (bến cảng, cầu cảng, điểm neo đậu...) còn thiếu, cho nên việc đón tàu du lịch quốc tế gặp khó khăn, du lịch khám phá các đảo trong vịnh Hòn La, dịch vụ lặn biển chưa được triển khai. Một số dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển quy mô lớn đang được xây dựng nhưng chậm tiến độ hoặc còn dang dở.

Cùng với đó, lực cản lớn trong phát triển du lịch biển ở bắc miền trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng đó là thời tiết. Hầu như đến đầu tháng 9 hằng năm, khu vực này chuyển sang mùa bão lũ nên biển động, sóng lớn. Các hoạt động trên biển, thậm chí cả nghỉ dưỡng ven biển hầu như phải đóng cửa một thời gian. Hoặc sau một trận bão, không gian xanh ở các bãi biển, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng bị hư hỏng nhiều và phải mất thời gian, kinh phí để tu sửa. Chính vì thế, thích ứng với biến đổi khí hậu đang là xu thế chính mà các doanh nghiệp du lịch dịch vụ đang hướng tới nhằm bảo đảm hoạt động và giảm thiệt hại do thiên tai, khí hậu khắc nghiệt gây ra.

Tại một hội thảo về du lịch biển, đảo diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng cách đây ít lâu, các đại biểu cho rằng, dù ngày càng có nhiều các sản phẩm, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư tại tất cả các địa phương ven biển, nhưng du lịch biển đảo vẫn chưa phát triển xứng tầm so với tiềm năng và lợi thế vốn có. Sản phẩm du lịch biển manh mún, thiếu quy chuẩn an toàn. Trang, thiết bị cơ sở hạ tầng phục vụ khách và hàng hóa được sử dụng chung cho nên chưa thật sự hấp dẫn du khách đi tour, đặc biệt là khách đi du lịch tàu biển.

Liên kết để phát triển các sản phẩm

Báo cáo tổng hợp Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 kèm theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam là khu vực động lực có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch khu vực Bắc Trung Bộ,... sản phẩm chủ đạo là tìm hiểu giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bên cạnh sản phẩm nghỉ dưỡng biển, sinh thái, tìm hiểu lịch sử-cách mạng và du lịch đô thị”. Ngoài ra, việc phát triển du lịch biển là định hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của ngành du lịch các tỉnh khu vực miền trung và góp phần quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển-đảo của Tổ quốc.

Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã ban hành các quy định, chính sách phát triển du lịch biển phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Thành phố Đà Nẵng ban hành đề án phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền trung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với quan điểm chuyển từ “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”; từ “số lượng” sang “chất lượng”, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, du lịch Đà Nẵng không chỉ là trung tâm lan tỏa, hội tụ mà còn là trung tâm vào-ra của toàn Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, giai đoạn đầu, tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa ba địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam để bảo đảm liên kết phát triển sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền trung” đi vào thực chất. Phát huy lợi thế tuyệt đối của tọa độ kết nối quốc tế của Đà Nẵng để hình thành tuyến du lịch dọc biển, tạo thành chuỗi du lịch kết nối Đà Nẵng với Huế, Quảng Trị và Quảng Bình; ở phía nam thì tạo thành chuỗi du lịch Đà Nẵng với Hội An-Mỹ Sơn và đảo Lý Sơn. Đà Nẵng cũng ban hành đề án phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, với bốn nhóm sản phẩm chính mà trong đó du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp được ưu tiên hàng đầu.

Để khắc phục những hạn chế của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu để cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thể thao, du lịch gắn với biển, các hoạt động thể thao dưới nước; phát triển loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tham quan kết hợp hội thảo, mua sắm.

Theo Quy hoạch tỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt, Quảng Nam sẽ phát triển các khu du lịch dựa trên không gian di sản văn hóa-lịch sử với loại hình du lịch nghiên cứu văn hóa kết hợp trải nghiệm; không gian tự nhiên sông biển với loại hình hội thảo, hội nghị, vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp, các công trình thể thao tiêu chuẩn Olympic. Thời gian tới, Quảng Nam tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Đông-Tây, huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng các cầu bắc qua sông Trường Giang, Cổ Cò với công nghệ hiện đại, kiến trúc độc đáo phù hợp với cảnh quan đô thị ven biển và thúc đẩy phát triển du lịch.

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: Du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp. Để thực hiện các mục tiêu đó, tỉnh Quảng Bình định hướng quy hoạch không gian thành bốn cụm phát triển, trong đó có thành phố Đồng Hới và các khu vực du lịch biển phụ cận.

Với cụm này, Quảng Bình ưu tiên hỗ trợ phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc biển, trong đó có các điểm du lịch có giá trị cao như sân golf, biệt thự. Định hướng này đã và đang được Quảng Bình triển khai thu hút đầu tư bằng nhiều nguồn lực, đặc biệt là đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của tỉnh dài 86 km nối với hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị. Đồng thời đầu tư thêm cầu bắc qua sông Nhật Lệ nhằm thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và đô thị ven biển. Tháng 6 tới, dự án cảng tổng hợp quốc tế Hòn La sẽ khởi công xây dựng với bốn bến cập tàu, trong đó có bến phục vụ tàu du lịch. Khi dự án đưa vào sử dụng, Quảng Bình sẽ có khả năng đón các tàu biển quốc tế quy mô lớn, các siêu du thuyền để đưa du lịch tàu biển trở thành một trong những loại hình sản phẩm du lịch nổi bật của tỉnh.

Theo các chuyên gia, phát triển du lịch biển không có nghĩa là chỉ tập trung vào các dịch vụ vui chơi trên biển, nghỉ dưỡng ven biển, mà đối với một vùng đất mà du lịch chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố thời tiết như miền trung, thì nhất thiết cần kết hợp phát triển thêm các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch gắn với các hoạt động thể thao biển, golf, du lịch văn hóa và du lịch MICE. Việc liên kết các dịch vụ này tạo thành sản phẩm trọn gói mới làm giảm bớt tính thời vụ, hướng đến phát triển bền vững.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25/5/2024.