Miền biên cương bình yên

Xây dựng nền biên phòng toàn dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được các cấp, ngành của tỉnh Bình Phước quan tâm, qua đó tạo nên sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Theo đó lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đoàn kết chặt chẽ với chính quyền, nhân dân, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cùng các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới và phòng chống tội phạm.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cùng các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới và phòng chống tội phạm.

Vì một biên cương giàu đẹp

Tỉnh Bình Phước có 124 ấp giáp biên thuộc ba huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp và Bù Gia Mập, với 18 dân tộc anh em sinh sống; đời sống nhân dân còn khó khăn. Trước thực trạng đó, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, mô hình an sinh xã hội, chung tay với các cấp, ngành, chính quyền địa phương từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Với phương châm "Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào"; cán bộ Bộ đội Biên phòng đã gần gũi với nhân dân để nắm bắt, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể, nhu cầu chính đáng cũng như khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán từng địa phương để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Ðại tá Bùi Minh Soái, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết, 5 năm gần đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai hàng chục mô hình, chương trình nhằm chung tay, góp sức giúp nhân dân giảm nghèo. Ðiển hình như các mô hình, chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản", "Hũ gạo tình thương", "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi Ðồn Biên phòng" hay "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới", "Mỗi trang sách một ước mơ", "tặng bò, dê giống cho người nghèo"…

Ðể nâng cao năng suất cũng như chất lượng các loại cây-con giống, Bộ đội Biên phòng cử cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu kỹ thuật thường xuyên đến nhà hướng dẫn các hộ dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai các phong trào, cuộc vận động như "Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"... Kết quả đã nhận đỡ đầu 64 cháu trong chương trình "Nâng bước em tới trường", 9 cháu con nuôi Ðồn Biên phòng và 53 cháu thuộc dự án cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường, đồng thời tặng xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Ðơn vị đã huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ 43 con bò giống, 32 cặp dê giống với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng tặng 75 hộ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới; đến nay đã phát triển đàn lên 313 con.

Ðơn cử như gia đình chị Nhữ Thị Hồng Thanh (xã Ðắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) thuộc diện hộ cận nghèo, không có đất sản xuất. Năm 2021, Ðồn Biên phòng Ðắk Ơ đã trao tặng bò sinh sản và hướng dẫn gia đình chị cách chăm sóc. Ðến nay, bò sinh trưởng, phát triển tốt và sinh bê, tạo niềm vui, động lực cho gia đình tiếp tục nỗ lực vươn lên.

Cùng với Bộ đội Biên phòng, chính quyền xã đồng hành hỗ trợ gia đình chị vượt qua khó khăn. Hiện gia đình chị đã thoát cận nghèo và có nhiều đóng góp cho bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chị Thanh chia sẻ, khi gia đình tôi khó khăn, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ. Chúng tôi không ngừng nỗ lực cố gắng để cải thiện kinh tế gia đình. Tôi vận động con trai đi nghĩa vụ quân sự để đóng góp công sức bảo vệ chủ quyền biên giới.

Hay gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Ðốp) không có đất sản xuất, không việc làm ổn định, một mình chị nuôi hai con bị tật bẩm sinh. Năm 2015, chị Thủy được cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Thanh Hòa trao tặng 1 con bò sinh sản. Nhờ được hướng dẫn chăm sóc đúng cách, đến nay gia đình chị đã có đàn bò 6 con. Vừa qua, chị bán 2 con bò để lo cho các con ăn học và trang trải cuộc sống.

Biên cương thêm vững vàng

Với phương châm "mỗi người dân là một cột mốc sống", tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên biên giới Bình Phước đã chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðến nay đã có 33 tập thể, 208 hộ gia đình tham gia ký kết phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới. Xây dựng được bảy mô hình "Ðiểm sáng biên giới", bốn câu lạc bộ "Phụ nữ dân tộc tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp" với 216 hội viên tham gia.

Ðại tá Bùi Minh Soái, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết thêm: Những cá nhân, tập thể này là nhân tố tích cực cùng Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, phát quang, kiểm soát biên giới, địa bàn. Họ trở thành "tai, mắt" của Bộ đội Biên phòng, cung cấp hàng trăm nguồn tin giá trị trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch. Mô hình "Tiết học biên giới" được triển khai, qua đó không chỉ trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản về biên giới quốc gia mà còn góp phần hình thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng ý thức tự giác chung tay, góp sức bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Ông Cầm Bá Ðáng (xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh) là một trong những cá nhân tiêu biểu trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Với vai trò Bí thư Chi bộ ấp Vườn Bưởi, ông chủ động đề xuất với chính quyền địa phương ký kết nghĩa, giao lưu với phum Cooc Thomo, xã Tuần Lung, huyện Mi Mốt, tỉnh Tbong Khmum, nước bạn Campuchia.

Sau hơn 5 năm kết nghĩa, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hai bên biên giới cơ bản ổn định, nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới mà hai Nhà nước ký kết. Ông Cầm Bá Ðáng cho biết, thời gian qua, hai địa phương đã phối hợp tuyên truyền về truyền thống hợp tác hữu nghị giữa hai nước, công tác phân giới cắm mốc, các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia được 14 lần, với 365 lượt người dân tham gia. Người dân hai bên tự nguyện tham gia 12 đợt tuần tra, bảo vệ nguyên trạng đường biên, hệ thống mốc quốc giới. Hai bên chủ động tổ chức 8 đợt gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi.