Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng mỗi khi kể về những ngày chạy máy bay “ngược” để ghi lại những hình ảnh tư liệu quý lúc bấy giờ, ông lại trở nên hào hứng.
Nhà quay phim Ma Cường kể lại: “Hồi đó, chúng tôi mang máy quay vào chiến trường giống như những phóng viên. Hồi đó trang bị không có gì cả, một cái xe đạp, một cái đài bán dẫn Orionton của Tiệp cũ, một máy quay phim Convat của Liên Xô cũ. Hằng ngày mỗi người đi thường trú thường có mỗi mình, kèm theo những đồ vật như vậy, cùng với phụ tùng máy quay gồm có phim nhựa, ắc quy, quần áo, đi đâu cũng chỉ thế. Mang xách lúc nào trên vai cũng phải 20kg. Máy quay 7kg, ăc quy 7kg, phim, quần áo, cứ thế mà đi thôi. Lúc đó còn làm phim thời sự nhiều, chúng tôi làm 44 cuốn phim thời sự, mỗi tháng phải đóng góp vài đề tài. Mỗi tháng địa bàn Quảng Trị Vĩnh Linh cung cấp về nhà khoảng 3-4 đề tài (tin) để đưa ngay hoặc xây dựng thành phim chuyên đề”.
Với ông, Vĩnh Linh như một quê hương thứ hai. Ở đó là sống với dân, sống trong dân, dựa vào dân mà sống, sống từ những kinh nghiệm của dân: “Trong chiến trường, có nhiều kinh nghiệm xương máu lắm, phần lớn là dân mách để đề phòng. chẳng hạn như nghe tiếng là đoán được loại máy bay nào đang đến, đông hay bay một mình thăm dò cho máy bay tốp sau bỏ bom. Thấy có máy bay do thám, dân báo cho chúng tôi biết để coi chừng loạt máy bay bắn phá và thả bom”. Bộ phim “Lũy thép Vĩnh Linh” hình thành từ những tháng ngày sống trong lòng dân như vậy.
Nhà quay phim kỳ cựu kể: “Ở Vĩnh Linh, khi nào cũng bị đánh phá, không máy bay thì pháo, cả mặt đất lẫn mặt biển, đêm ngày không lúc nào ngớt. Vĩnh Linh được mệnh danh là “túi bom”. Hiền Lương là nơi không ngày nào không có người hy sinh.Cờ treo trên cầu ngày nào cũng phải thay vì bị bắn rách nát hết, cứ thay rồi lại bị bắn, người treo cờ hy sinh, rồi lại người khác treo cờ… Tôi thường trú ở đây và quay những thước phim tư liệu từ hơn một năm trước khi thực hiện bộ phim. Cho đến khi xây dựng kể hoạch làm phim, yêu cầu cần phải có người thông thạo về địa hình, đường sá và tình hình, thì ngoài Hà Nội không ai đáp ứng được. Khi đó, đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh đã tiến cử tôi vào tổ quay phim vì biết tôi đã ở trong đó hơn một năm rồi”.
“Lũy thép Vĩnh Linh” là bộ phim tài liệu dài hơi và tốn kém về cả người và của: Gần một năm trời và ba người hy sinh là các thành viên đoàn làm phim Đinh Văn Nhạ, Đỗ Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Hồi. Ông Ma Cường kể lại: “Thời gian làm phim chia làm hai giai đoạn: Năm tháng đầu đi thực tế, điều tra, viết kịch bản. Sáu tháng tiếp xong kịch bản và quay xong hơn một nửa chỗ phim (khoảng 60 phút chiếu). Khi đó, ngoài Hà Nội điện vào yêu cầu rút bớt quân số ra để tránh tổn thất, vì khi đó chiến trận trong này vô cùng ác liệt.
Đoàn làm phim chín người, ba người và toàn bộ số phim đã quay xong lên ô tô rút ra Bắc, nhưng bị bom ở Lệ Thủy, Quảng Bình, người chết, xe cháy, mất sạch toàn bộ số phim và công sức anh em vượt mưa bom bão đạn quay ở Vĩnh Linh”. Khi đó, nhà quay phim Ma Cường là đoàn phó, quay phim chính, lại thông thạo địa hình nên đã ra Lệ Thủy để cùng người dân ở đó thu dọn hiện trường, chôn cất những người đã hy sinh.
Những việc bất ngờ xảy ra khiến những người còn lại của đoàn làm phim rất hoang mang, ngay cả đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng chưa biết làm thế nào để khôi phục lại toàn bộ số phim đã mất trắng. Đúng lúc đó, Hãng phim ngoài Hà Nội lại gọi tất cả về để bảo đảm an toàn. “Nhưng nếu ra về thì sẽ trắng tay, không có gì cả. Trong khi chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu chặng đường gian khổ, ở cùng nhân dân trong hơn ba tháng trời” – nhà quay phim kỳ cựu chia sẻ.
“Cái khó ló cái khôn”, ông Ma Cường đã quyết định ở lại để quay lại từ đầu: “Tôi ở đó lâu, đã quen các địa điểm, hai là đóng góp khá nhiều trong bộ phim này, từ kịch bản cho đến địa bàn, quay phim, bây giờ bỏ là mình có tội với nhân dân”. Khi đó, mọi người trong đoàn làm phim cũng nhất trí cùng ở lại để hoàn thành nốt bộ phim. Đồng thời lập ra kế hoạch quay giai đoạn thứ hai, coi như làm lại toàn bộ. Sẽ không làm theo kiểu cũ nữa mà làm cuốn chiếu. Đến chỗ nguy hiểm vừa vừa thì quay trước, chỗ nguy hiểm nhất làm sau cùng. Xong là coi như kết thúc luôn. Cả đoàn phải cân nhắc và tranh thủ làm mọi lúc mọi nơi khi địch không đánh phá. Phần quay sau thực hiện suôn sẻ hơn vì mọi người vẫn còn nguyên vẹn ý tưởng, cũng như khí thế làm việc.
Nhà quay phim kể lại: “Sống trong vùng chiến, nhất thiết phải bám vào dân để nắm được tình hình khi nào có máy bay, đạn pháo, loại gì để có kế hoạch luân chuyển và sản xuất. Đợt này quay khoảng 2,5 tháng thì kết thúc. Toàn bộ bộ phim quay mất khoảng sáu tháng”.
Cũng trong giai đoạn quay phim này, nhà quay phim Ma Cường đã bị thương, khi đang quay máy bay bắn phá nhà dân. Ông bị trúng mảnh rocket vào miệng, ngã xuống giữa sân được đưa xuống hầm băng bó và trú ẩn. Cũng may mà những người còn lại không ai bị làm sao. Mảnh đạn đó, sau này đi xe xóc bị văng ra, chứ như lời ông kể thì trước đó các bác sĩ quân y mổ nhưng không lấy ra được.
Hết năm 1968, bộ phim hoàn thành, đoàn làm phim chia tay người dân ra Hà Nội, nhiều người đã khóc. Sau khoảng hơn 10 ngày phim dựng xong, dài sáu cuốn, đi duyệt các cấp đều được hoan nghênh. Phim được đem đi dự LHP Moscow năm 1971 và giành HCV, đồng thời giành giải Bông sen vàng LHP Việt Nam năm 1973. Nhà quay phim Ma Cường nói: “Đây là phim dài kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền bắc. Cũng là phim ngay trước khi Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris…”.