Mạnh tay xử lý “xe dù, bến cóc”

Tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe khách trá hình, xe “rùa bò” đã tồn tại như ung nhọt nhiều năm qua trên địa bàn Hà Nội. Trong khi những vi phạm cũ còn chưa xóa bỏ được, nhiều tụ điểm “bến cóc” mới lại xuất hiện, làm mất an toàn giao thông, bộ mặt đô thị nhếch nhác.
0:00 / 0:00
0:00
Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm.
Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm.

Việc ra quân xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô tuy vẫn được duy trì thường xuyên, nhưng hiệu quả thật sự thì còn khá mờ nhạt.

Bên cạnh một số vướng mắc về pháp luật cần kiến nghị cấp trên tháo gỡ và từng bước hoàn thiện quy định, đòi hỏi các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng có giải pháp sáng tạo, linh hoạt và xử lý mạnh tay hơn theo quy định của pháp luật.

Càng phạt, vi phạm càng… tăng

Tại khu vực bến xe Mỹ Đình, nhận thấy ngoài tình trạng xe khách chạy như “rùa bò” còn thường xuyên xuất hiện những “bến cóc” trên đường Nguyễn Hoàng, hoạt động tấp nập từ chiều tối đến đêm muộn.

Không chỉ chung quanh khu vực bến xe khách, nhiều công viên, trường học, bệnh viện cũng đang bị “xe dù, bến cóc”, xe khách trá hình bủa vây. Các công viên Thống Nhất, Cầu Giấy,… là nơi tập kết xe limousine, bến cóc đón trả khách, gây lộn xộn mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Không khó để tìm kiếm những nhà xe thành lập văn phòng để hoạt động tại Hà Nội, như nhà xe Trần Anh, lập văn phòng tại số 12 đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), nhận vận chuyển hành khách và chuyển phát hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bằng xe giường nằm; nhà xe Dũng Minh văn phòng tại số 92 đường Trần Vỹ (quận Cầu Giấy) chuyên chạy tuyến Hà Nội-Hà Tĩnh.

Trong khi đó, riêng Công ty TNHH X.E Việt Nam đã có đến mấy địa điểm tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp chính quyền các địa phương tiến hành rà soát, thống kê được 78 văn phòng đại diện, chi nhánh của các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng trên địa bàn quản lý (trong đó có 15 văn phòng đang tạm dừng hoạt động).

Qua rà soát, Thanh tra Sở và cảnh sát giao thông đã yêu cầu các đơn vị ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô-tô; thực hiện nghiêm quy định trong tổ chức giao thông của thành phố; không dừng, đỗ xe trái quy định tại khu vực văn phòng đại diện; không sử dụng văn phòng đại diện làm nơi đón, trả khách, xếp dỡ hàng hóa, gom khách, bán vé, đặt chỗ dưới mọi hình thức trái quy định.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1.644 trường hợp xe khách hợp đồng bị vi phạm, phạt hơn 3,7 tỷ đồng, tạm giữ 15 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 179 trường hợp.

Trong thời gian này, riêng hai đội cảnh sát giao thông số 6 và số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) là nơi có các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm cũng đã xử phạt hơn 4.600 trường hợp.

Điều này cho thấy, dù các lực lượng chức năng đã xử lý, tuy nhiên vi phạm vẫn tái diễn, thậm chí ở diện rộng hơn, quy mô lớn hơn. Thay vì phải ra bến xe, hành khách chỉ việc ngồi nhà gọi điện thoại liên hệ với nhà xe, sẽ được xe đưa đón tận nơi.

Vẫn lúng túng xử lý

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải, cơ quan này cũng không lý giải được nguyên nhân vì sao tình trạng “xe dù, bến cóc” lại lộng hành, diễn biến phức tạp như vậy, cũng như đưa ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này?! Trong khi đó, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội nhận định rằng để xử lý “xe dù, bến cóc”, các đơn vị, lực lượng chức năng vấp phải rất nhiều khó khăn.

Theo đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 6, thói quen “tiện đâu đón xe đấy” của người dân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nêu trên.

Hầu hết các “xe dù” dạng này đều làm những hợp đồng với các công ty lữ hành hoặc hành khách, khi kiểm tra là xuất trình được ngay. Thậm chí có nhà xe còn ứng phó bằng cách sử dụng hợp đồng điện tử, nếu cơ quan chức năng hỏi thì chỉ cần một cuộc điện thoại đã bổ sung đầy đủ họ tên hành khách.

Bên cạnh đó, chính người dân cũng chấp nhận hình thức này, sẵn sàng nhận là “người nhà” của lái xe.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, xe hợp đồng chỉ cần có hợp đồng, danh sách hành khách là có thể hoạt động trên đường. Khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, nhà xe vẫn có đầy đủ giấy tờ. Dù lực lượng chức năng biết đó có thể là hợp đồng được lập sau khi xe chạy, hợp đồng gom khách nhưng không có cách nào xử lý được.

Về hành trình, xe khách tuyến cố định phải tuân thủ theo lộ trình bến xe đi và bến xe đến, còn xe hợp đồng chỉ quy định điểm đầu, điểm cuối là tuyến phố (tuyến đường), ngõ trong đô thị,… cho nên các nhà xe lách luật bằng cách thay đổi hành trình.

Vì vậy, cơ quan chức năng hầu như không thể kiểm soát hoạt động của các xe hợp đồng. Trong khi đó, theo tổ chức giao thông của thành phố, xe du lịch, xe hợp đồng không bị hạn chế đi vào các phố ở khu vực trung tâm, cho nên các phương tiện thường lợi dụng để dừng, đỗ đón, trả khách bất cứ chỗ nào.

Do vắng khách, để cạnh tranh với xe hợp đồng, nhiều xe khách tuyến cố định đã bỏ bến để chạy hợp đồng, lập văn phòng đại diện, bến “cóc” đón, trả khách.

Không chỉ thực hiện đưa đón tận nơi, xe limousine còn có lợi thế không mất phí bến bãi, cho nên giá vé cạnh tranh, khiến cho người dân ngày càng sử dụng nhiều và vô tình kích thích nạn “xe dù, bến cóc” càng có cơ hội nở rộ “như nấm sau mưa”, không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn làm thất thu cho ngân sách.

Để xử lý dứt điểm được tình trạng này, nhiều chuyên gia giao thông đã nêu ý kiến đề xuất cơ quan quản lý chuyên ngành sớm nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật, ngăn ngừa và hạn chế việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chạy “xe dù, bến cóc”.

Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; trọng tâm là siết chặt các quy định về xe khách hợp đồng và xe du lịch.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa bàn cơ sở, kiên quyết không để mỗi văn phòng là một “bến cóc” gây mất trật tự, an ninh, văn minh đô thị.

Không có điểm tập kết, xe khách trá hình sẽ mất dần chỗ đứng trong khu vực lõi đô thị, khu vực đông dân cư, chấm dứt lộn xộn gây ra nhiều năm qua.