"Mạnh tay" xử lý những phát ngôn gây thù hận

Trước tình trạng phát ngôn gây thù hận trở nên phổ biến, đưa tới hệ lụy nguy hiểm, các quốc gia trên thế giới đã đặt vấn đề cần sớm ngăn chặn hiện tượng xã hội này. Vì, dù với hình thức nào thì phát ngôn gây thù hận cũng nhằm mục đích kích động mâu thuẫn, gây thù ghét, từ đó đẩy tới tình trạng bất ổn, rối loạn trật tự xã hội, nghiêm trọng hơn là trở thành một nguyên nhân khơi nguồn bạo lực, chia rẽ cộng đồng…

Phát ngôn gây thù hận (hate speech) đang là vấn đề gây đau đầu cho nhiều chính phủ trên thế giới. Theo Ủy ban châu Âu (EC), có thể hiểu “hate speech” gồm các hình thức phát ngôn gieo rắc hoặc ủng hộ sự thù hận sắc tộc, bài ngoại, cũng như những phát ngôn sỉ nhục, kỳ thị do thiếu khoan dung đối với sự khác biệt. Từ đó có thể hiểu, phát ngôn gây thù hận là phát ngôn mang nội dung phỉ báng một người hoặc nhóm người nào đó với mục đích chủ yếu là gieo rắc thù hận, sự căm ghét, thúc đẩy hành vi bạo lực vì những lý do liên quan tôn giáo, sắc tộc, giới tính,... và là tác nhân ảnh hưởng rất nguy hiểm đến an toàn xã hội. Ông C.Wolf (C.Uốt - tác giả cuốn sách Viral hate: containing its spread on the Internet, tạm dịch: Kiểm soát sự thù hận lan truyền trên mạng) mới công bố một số liệu điều tra khiến nhiều người phải giật mình, đó là: “Mỗi phút trên Internet (in-tơ-nét) có khoảng 500 website mới, 300 nghìn tweet (mẩu tin nhỏ), 40 nghìn cập nhật trạng thái Facebook, 600 giờ nội dung YouTube được post lên. Trong đó nhiều nội dung, hình ảnh, bình luận, video (vi-đê-ô) chứa đầy những phát ngôn khơi gợi sự thù hận... nhằm đe dọa, quấy rối (thường nhắm vào những người thuộc nhóm thiểu số), chiêu mộ và khuyến khích những người có thái độ căm ghét tương tự, thậm chí xúi giục tiến công người khác ngoài đời thực. Sự thù hận trên mạng còn hơn cả “ô nhiễm”, nó ảnh hưởng tới con người rất nghiêm trọng”. Trước vấn đề này, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề trẻ em và bình đẳng của Na Uy S.Horne (H.Hô-ne) khẳng định: “Phát ngôn thù hận chính là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận, vì nó nhằm vào các nhóm yếu thế như người có khuyết tật, người đồng tính, chuyển giới hay các nhóm thiểu số khác. Mạng xã hội và internet đã mở ra nhiều không gian để đối thoại… nhưng những phát ngôn thù hận thường lan tỏa nhanh và thường xuyên ở mọi nền tảng thông tin, gây ra sự sợ hãi, và là lý do khiến mọi người tránh né các cuộc thảo luận công khai. Điều này có thể khiến những tiếng nói quan trọng đáng lý cần được lắng nghe lại im lặng”. Qua đó có thể thấy, nếu mạng xã hội được sử dụng đúng cách sẽ là một công cụ rất hữu ích trong đời sống của con người hiện đại, nhưng đáng tiếc, lại có một số người lợi dụng và biến internet thành công cụ thể hiện thái độ phân biệt chủng tộc, kích động và truyền bá sự thù hận, bạo lực.

Con số hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm khoảng 37% dân số) cho thấy Việt Nam đang có tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội cao so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 31%. Tuy nhiên, theo kết quả từ Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), 78% số người được hỏi đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, hoặc có biết những trường hợp tương tự. Cũng theo nghiên cứu của VPIS, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)… Thực tế cho thấy, với không ít người, sự thù ghét với tính cách là nhu cầu tiêu cực của cá nhân thể hiện qua phát ngôn gây thù ghét đã được internet tạo cơ hội để phóng chiếu một cách tùy tiện, nhất là từ khi mạng xã hội phát triển thì điều này có xu hướng ngày càng tệ hại, và không được kiểm soát. Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng: “Giờ đây, tham gia mạng xã hội có thể khiến bạn trải qua những chấn động tâm lý, sợ hãi, cuộc sống bị phá hủy. Thậm chí, nhiều người tìm tới cái chết để chạy trốn sự nhục nhã và những cơn bão căm ghét. Lý do có nhiều, trong đó có tâm lý bầy đàn, sự vô cảm được khuyến khích bởi công nghệ, sự tàn nhẫn được sổ lồng bởi sự ẩn danh và qua đó cảm giác có lỗi và trách nhiệm cá nhân bị tê liệt”.

Trên thế giới, “hate speech” là một vấn đề gây bức xúc, buộc các chính phủ phải có biện pháp mạnh tay xóa bỏ triệt để các phát ngôn không lành mạnh. Một trong những vụ “hate speech” nổi bật gần đây là việc nữ diễn viên da mầu người Mỹ L.Jones (L.Giôn-ni) đã bị sỉ nhục thậm tệ sau khi bộ phim Ghostbusters (Biệt đội săn ma) được phát hành năm 2016, mà cô là một trong năm diễn viên chính. Jones đã phải hứng chịu những lời chế giễu, phỉ báng, thậm chí bị công kích từ mạng xã hội chỉ vì cô là diễn viên da mầu và có ngoại hình xấu, hay có người dùng facebook chế ảnh dung tục để gửi đến cô… Những lời lăng mạ đã làm Jones bị tổn thương nặng nề, buộc cô phải viết trên Twitter rằng: “Twitter, tôi biết là bạn rất tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nhưng cần phải tôn trọng những nguyên tắc cư xử, khi bạn cho phép gieo rắc thù hận như thế”. Thậm chí, tờ The Guardian (Người bảo vệ) đã gọi đây là nạn “bạo hành trực tuyến”. Ngay cả các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, YouTube,... đều phải thừa nhận rằng, các phát ngôn gây thù hận không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới đối tượng bị công kích, mà còn tới cả những người có xu hướng cởi mở, nhân ái, không tán đồng việc phân biệt đối xử. Dù các mạng này đều cài đặt tính năng thông báo vi phạm cho phép người dùng báo cáo những nội dung không lành mạnh, kích động thù hận, chia rẽ cộng đồng, nhưng hầu hết các báo cáo đều chậm hơn một bước, tức là thường diễn ra sau khi phát ngôn đã được truyền đi, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng nói chung. Chưa kể, không ít nội dung độc hại bị “bỏ sót”, không bị xóa bỏ, cụ thể: chỉ có khoảng 46% những phát ngôn này bị xóa bởi Facebook. Tỷ lệ này ở YouTube là 10% và ở Twitter là 1%...

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966), tại khoản 2, Điều 20 nêu rõ: “Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm”. Tháng 6-2016, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ký thỏa thuận với các công ty công nghệ lớn nhằm ngăn chặn sự lan rộng của những phát ngôn có tính chất khơi gợi sự thù hận đang ngày càng nhiều trên mạng. Theo đó, EC cùng với Facebook, Twitter, YouTubeMicrosoft cùng công bố quy chuẩn ứng xử gồm hàng loạt cam kết ngăn chặn sự phát tán của phát ngôn thù hận trên mạng. Một trong các điều kiện mà EC đưa ra là những phát ngôn mang tính tiêu cực phải được Facebook, Twitter, YouTube xóa bỏ khỏi mạng xã hội trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo. Đồng thời EC cho rằng, mỗi quốc gia cũng cần đưa ra các đạo luật nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những phát ngôn đi quá giới hạn vì chúng bị coi là “lạm dụng” quyền tự do ngôn luận. Như tại Pháp, pháp luật quy định rất rõ việc cấm các phát ngôn thù hận, tiến công “tinh thần” cá nhân; thí dụ: hành vi xúc phạm người khác tại nơi công cộng liên quan đến chủng tộc, giới tính, đồng tính, hay người khuyết tật có thể bị phạt tới sáu tháng tù và 22.500 euro (ơ-rô). CHLB Đức cũng ủng hộ các quy chuẩn ứng xử của EC bằng cách hợp tác với Facebook để gỡ bỏ thông tin độc hại mang tính chất phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Chính phủ nước này đã thông qua điều luật bất cứ mạng xã hội nào không gỡ bỏ các tin giả, phát ngôn gây thù ghét hay các thông tin bất hợp pháp khác sẽ nhận hình phạt lên tới 50 triệu euro. Vừa qua, Quốc hội Nhật Bản cũng vừa thông qua luật ngăn chặn phát ngôn thù hận (bao gồm sự bôi nhọ hoặc đe dọa người khác trên mạng xã hội)…

Trước nạn “hate speech” trên mạng xã hội, Việt Nam đã có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tại khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b. Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Để ngăn chặn tình trạng phát ngôn gây thù hận trên mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, bên cạnh các chế tài cứng rắn, đủ mạnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, cần đề cao vai trò và trách nhiệm của các công ty cung cấp nền tảng dịch vụ mạng xã hội trong việc đưa ra giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những phát ngôn gây thù hận. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần tự ý thức trách nhiệm trước mọi hành xử, phát ngôn trên mạng xã hội để góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, hữu ích cho cộng đồng.