Lễ ký BSA diễn ra tại thủ đô Ca-bun, chỉ sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Gha-ni một ngày. Theo đó, Áp-ga-ni-xtan nhất trí để Mỹ tiếp tục duy trì 9.800 binh sĩ tại nước này sau lộ trình rút quân ngày 31-12 tới.
Việc thảo luận BSA giữa hai bên chính thức được khởi động từ ngày 15-12-2012, khi đó, Oa-sinh-tơn đặt điều kiện ít nhất tới cuối năm 2013, Tổng thống lúc bấy giờ của Áp-ga-ni-xtan là H.Ca-dai phải hoàn tất việc ký văn bản này. Tuy nhiên, bất chấp nhiều lần Oa-sinh-tơn gây sức ép, thậm chí dọa sẽ cắt viện trợ và rút toàn bộ quân số về nước, để lại một đất nước Áp-ga-ni-xtan nghèo khó, có thể rơi vào nội chiến, ông Ca-dai vẫn nhất quyết không ký BSA. Trong bài phát biểu từ nhiệm vừa qua, ông Ca-dai thẳng thừng tuyên bố rằng, sở dĩ ông không quan tâm đến hạn chót của Mỹ là do sự thiếu hợp tác của phía Mỹ liên quan tiến trình hòa bình với Ta-li-ban. Một vấn đề quan trọng khác, đó là ông Ca-dai phản đối điều khoản mà ông cho là "mượn cớ" chống khủng bố của Mỹ nhằm can thiệp và vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Áp-ga-ni-xtan. Những tranh cãi về bản "thông hành BSA" kéo quan hệ đồng minh giữa Áp-ga-ni-xtan và Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Nam Á này năm 2001.
Chính vì vậy, Mỹ đã rất hồ hởi và săn đón "chu đáo" những ứng cử viên cho vị trí tổng thống tương lai của Áp-ga-ni-xtan trước, trong và sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-4 vừa qua ở nước này. Sau nhiều nỗ lực của Oa-sinh-tơn, tất cả các ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống Áp-ga-ni-xtan đều cam kết sẽ ký BSA nếu thắng cử. Hiển nhiên, người kế nhiệm cựu Tổng thống Ca-dai hiểu rằng, họ không thể làm "căng" trong quan hệ với Oa-sinh-tơn nếu muốn điều hành đất nước lâu dài. Dù đã thoát khỏi "ách" điều hành tăm tối của Ta-li-ban, nhưng đất nước Áp-ga-ni-xtan vẫn chìm trong nghèo khó và bạo lực, phụ thuộc lớn vào nguồn viện trợ nước ngoài, trong đó Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất. Các tổ chức quốc tế nhận định, kinh tế của Áp-ga-ni-xtan đang cực kỳ khó khăn và có thể chỉ đạt mức tăng trưởng của cả năm 3,2% so với mức 3,6% trong năm ngoái. Trong khi đó, tình trạng bạo lực khiến số thương vong tăng theo cấp số nhân trong những năm qua. LHQ ước tính, khoảng 8.000 dân thường Áp-ga-ni-xtan chết trong năm năm qua, hầu hết là nạn nhân các vụ tiến công của Ta-li-ban.
Trước tình hình khó khăn chồng chất nêu trên, tân Tổng thống Gha-ni không có lựa chọn nào khác là phải bắt tay chặt chẽ với Mỹ, nhằm bám chặt "bầu sữa" nuôi cơ thể đất nước đang "ốm yếu" của mình. Trước mắt, tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan cần gấp rút thuyết phục Mỹ và các nước ủng hộ gói tài trợ mới 537 triệu USD để thanh toán các hóa đơn vào cuối năm nay, khi mà Bộ Tài chính nước này vừa thông báo ngưng trả lương cho cán bộ, công chức dân sự đến tháng 10 do ngân sách thiếu hụt 116 triệu USD.
Về phần mình, Oa-sinh-tơn cũng chẳng "giúp không" cho Áp-ga-ni-xtan. Trong nhiệm kỳ thứ hai nhiều khó khăn của mình, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuyên bố dứt khoát ông sẽ chấm dứt cuộc chiến tại "bãi lầy" Áp-ga-ni-xtan, nơi Mỹ đã chi hàng trăm tỷ USD và bị thiệt hại hơn 2.200 binh sĩ. Ông Ô-ba-ma coi đó là một nhiệm vụ ưu tiên và chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện kế hoạch "lui binh" vào cuối năm nay, theo đó sẽ triệt thoái 30.700 binh sĩ đang đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan và chỉ triển khai dưới 10 nghìn quân vào năm tới. Sự quan tâm đặc biệt của Chính quyền Ô-ba-ma đối với tình hình Áp-ga-ni-xtan là dễ hiểu, bởi sự bất ổn của đất nước Nam Á này cũng có thể tác động trực tiếp tình hình an ninh nước Mỹ, mà vụ khủng bố do lực lượng khủng bố quốc tế An Kê-đa với các "chân rết" ở Áp-ga-ni-xtan tiến hành ngày 11-9-2001 vẫn để lại những "vết sẹo" khoét sâu trong lòng nước Mỹ. Áp-ga-ni-xtan, do đó, đã trở thành "lá bài" mà giới chức Mỹ muốn sử dụng nhằm lấy lòng cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 tới, tiếp đó chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Mỹ và Áp-ga-ni-xtan ký BSA là cần thiết, nhưng việc thực hiện BSA chắc chắn không dễ dàng. Trong đó, đáng quan ngại nhất vẫn là những điều khoản cho phép quân đội Mỹ thực thi nhiệm vụ chống khủng bố trên đất Áp-ga-ni-xtan nhưng không được vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Giới quan sát hoài nghi rằng, vì những quan tâm và lợi ích trước mắt, cho nên BSA chỉ là mảnh ghép chắp vá phục vụ mục tiêu trước mắt của mỗi bên. Do đó, nó khó có thể hoàn tất sứ mệnh của mình một cách bền vững, lâu dài.