Thời gian qua, Hải Phòng đã thực hiện thành công Chương trình sân khấu truyền hình và tổ chức lưu diễn các chương trình sân khấu đến với các địa bàn xa xôi của thành phố. Sân khấu đã tới được các khu vực có những người dân thậm chí chưa hề biết đến ánh đèn sân khấu và cũng chưa từng có điều kiện để thưởng thức những chương trình nghệ thuật có tính hàn lâm.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ: Chương trình được thực hiện với mong muốn các đoàn nghệ thuật đều được hoạt động và những người nghệ sĩ được “sống” trong ánh đèn sân khấu. Điều quan trọng hơn, những hoạt động văn hóa nghệ thuật đó trực tiếp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về tinh thần của đông đảo người dân thành phố Cảng, nhất là khi cuộc sống ngày càng được cải thiện, những toan lo về cuộc sống vật chất cũng dần vơi đi...
Cũng chính từ đó mà đề án sân khấu truyền hình tại Hải Phòng đã ra đời. Đề án đã nhanh chóng trở thành các chương trình biểu diễn nghệ thuật cuốn hút người xem - nghệ thuật sân khấu của Hải Phòng đã “sáng đèn” trở lại. Nhiều người đã ví von: chương trình sân khấu truyền hình của Hải Phòng như 1 nốt “thăng” trong bản nhạc “trầm”…
Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, việc thực hiện được chương trình sân khấu truyền hình và tổ chức lưu diễn tại các địa bàn được coi là một thành công lớn của thành phố Hải Phòng, nhất là trong giai đoạn sân khấu đang mất dần khán giả như hiện nay.
Đây cũng là giải pháp để “cứu” sân khấu, “cứu” nghệ thuật biểu diễn, giúp cho sân khấu “sáng đèn” và đưa sân khấu đến với người xem - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh.
Hải Phòng - mảnh đất của mặn mòi, sóng gió. Nhưng nơi đây cũng sản sinh và ươm mầm những nhạc sĩ tài danh vang bóng một thời như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Hoàng Quý, Canh Thân…
Các ca khúc vượt thời gian của các nhạc sĩ này đã dựng lên chương trình ca múa nhạc mở đầu cho chương trình sân khấu truyền hình Hải Phòng 2022 với chủ đề “Ký ức Đồng Vọng”.
Các chương trình lưu diễn luôn thu hút đông đảo nhân dân tham dự. |
Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng, chương trình ca múa nhạc “Ký ức Đồng Vọng” đã đưa đến khán giả những tình khúc vượt thời gian qua làn sóng truyền hình như góp phần làm sinh động hơn cuộc sống tinh thần của người dân, vơi bớt đi nỗi lo hiểm nguy của dịch bệnh đang lan tràn, cũng như cảm giác thư thái của con người cho dù đang trong giai đoạn bị “phong tỏa”, phải hạn chế hoạt động để chống dịch…
Các ca khúc “Bóng cờ lau”, “Cô láng giềng” của Hoàng Quý; “Cô hàng café”, “Anh còn cây đàn” của Canh Thân; ”Buồn tàn thu”, "Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao; “Em đến thăm anh một chiều mưa”, “Ngày xưa’ của Tô Vũ… được dàn dựng trong không gian âm nhạc sang trọng và hoài niệm.
Chương trình đã đưa khán giả trở lại những năm 30 của thế kỷ trước với những câu chuyện xưa cũ của thành phố Hải Phòng, làm thức dậy những ký ức về một thành phố thơ mộng và những câu chuyện tình đắm say lòng người đã đi vào thi, ca, nhạc, họa…
Với sự kết hợp đặc sắc của nghệ thuật múa rối cạn, rối nước và 2 tầng sân khấu cùng sự hỗ trợ của màn hình LED, hệ thống âm thanh, ánh sáng, các nghệ sĩ đã tái hiện và chuyển tải đến công chúng Lễ hội Xa Mã đình Hoàng Châu (huyện Cát Hải) - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - một cách hoàn toàn mới mẻ…
Để có được các chương trình, vở diễn có chất lượng, ngành văn hóa Hải Phòng đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từ “đặt hàng” các tác phẩm, tổ chức dàn dựng, đầu tư về cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, âm thanh ánh sáng và nhất là đội ngũ các nghệ sĩ, diễn viên luôn tìm tòi, sáng tạo sự “mới mẻ” trong kỹ năng diễn xuất của từng vai diễn…
Đồng thời, nội dung các vở diễn, chương trình vẫn luôn bám sát định hướng, yêu cầu và chuyển tải được truyền thống hào hùng của miền đất, con người Hải Phòng, quảng bá cho một Hải Phòng năng động, hội nhập và đang phát triển mạnh mẽ…
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly cho rằng: Chương trình “Sân khấu truyền hình” được đánh giá là một “hiện tượng”, một “sáng tạo nghệ thuật” đáng ghi nhận của thành phố Hải Phòng trong phát triển nghệ thuật sân khấu và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Việc mang sân khấu đến tận nhà phục vụ khán giả hoặc tổ chức biểu diễn trực tiếp tại các vùng xa của Hải Phòng là việc mà các tỉnh, thành phố khác khó mà thực hiện được…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành văn hóa và đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thành phố. Đồng chí cho rằng: Thành công trên mới chỉ là bước đầu. Những chương trình nghệ thuật nói trên nếu không được đổi mới, nâng cao chất lượng và cách thể hiện thì khán giả sẽ quay lưng và vở diễn sẽ không ai xem…
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho hay, cùng với tích cực, chủ động thực hiện các chương trình còn lại của năm 2022, Sở đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình, cơ cấu loại hình các vở diễn, đặt hàng kịch bản cho chương trình của cả năm 2023.
Cùng với đó, Sở chủ động phối hợp với các ngành liên quan để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ, nâng cao chất lượng các vở diễn, từng bước đầu tư cơ sở vật chất cho các đoàn nghệ thuật, chăm lo đời sống cho đội ngũ diễn viên…
Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố, sự ủng hộ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và phối hợp chặt chẽ, thiết thực của đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo trong cả nước, ngành văn hóa Hải Phòng sẽ phấn đấu để sân khấu luôn “sáng đèn”. Đồng thời, đội ngũ diễn viên và các lực lượng tham gia sẽ “sống” được bằng chính các hoạt động nghệ thuật của mình với các chương trình, vở diễn bảo đảm yêu cầu về chất lượng nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật, hấp dẫn và cùng lan tỏa “Vì một Hải Phòng rộng, dài, rực sáng”…