Mang lại sự sống cho bé sơ sinh bị tim bẩm sinh nặng

NDO - Hai giờ sau khi chào đời, bé gái mắc dị tật chuyển vị đại động mạch được chuyển ngay sang phòng phẫu thuật cấp cứu để các bác sĩ nhanh chóng tạo luồng thông giúp trộn máu, tránh nguy cơ tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Năng Phúc (bên phải) cùng ê-kíp can thiệp cấp cứu cứu bé sơ sinh 2 giờ tuổi bị dị tật tim bẩm sinh.
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Năng Phúc (bên phải) cùng ê-kíp can thiệp cấp cứu cứu bé sơ sinh 2 giờ tuổi bị dị tật tim bẩm sinh.

Ở tuần thai 18, chị N.T.M được bác sĩ thông báo thai nhi bị chuyển vị đại động mạch thể đơn thuần. Sản phụ được theo dõi chặt chẽ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, lên phương án sẵn sàng can thiệp cứu trái tim cho em bé ngay khi chào đời.

Tối 20/4, chị M. chuyển dạ sinh thường khi thai nhi 38 tuần, bé gái chào đời nhẹ cân 2,5 kg, da tím tái nặng. Chỉ số SpO2 (oxy trong máu) tụt thấp 35%, phải tiến hành hồi sức ngay tại phòng sanh.

Sau khi được hỗ trợ hô hấp, bé ổn định, chỉ số SpO2 có sự chênh lệch rõ rệt giữa tay (45%) và chân (70-75%), chứng tỏ máu trộn tầng nhĩ không tốt dẫn tới thiếu oxy tim (luồng lưu thông máu trái – phải rất kém), não nhận được rất ít oxy. Đây là biểu hiện điển hình của dị tật chuyển vị đại động mạch.

Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch cho biết, chuyển vị đại động mạch là bệnh lý tim bẩm sinh hình thành từ trong thai kỳ.

Ở trẻ bị chuyển vị đại động mạch, hai động mạch xuất phát từ tim đổi vị trí cho nhau: động mạch phổi nối với tâm thất trái, động mạch chủ nối với tâm thất phải. Kết quả là máu nghèo oxy lại đi qua động mạch chủ nuôi cơ thể và quay lại chính tim phải mà không đi qua phổi để được lấy oxy. Trong khi đó, máu giàu oxy chảy qua bên trái của tim lại đi thẳng trở lên phổi qua động mạch phổi mà không được bơm đến phần còn lại của cơ thể.

Hai đại tuần hoàn của bé song song, không có sự kết nối, thông thương với nhau qua hệ thống mao mạch. Trẻ thường tím rất nặng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Để tránh nguy cơ tử vong, bệnh nhi cần được can thiệp phá vách liên nhĩ bằng bóng (thủ thuật Rashkind) nhằm mở rộng tạo lỗ thông liên nhĩ kích thước vừa đủ, giúp hai luồng máu “xanh-đỏ” pha trộn dễ dàng, cải thiện độ bão hòa oxy động mạch toàn thân. Đây là ca can thiệp tim nhỏ tuổi nhất tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Hai giờ sau khi chào đời, bé gái bước vào ca thủ thuật đầu tiên trong đời. Bé được chuyển an toàn tới phòng thông tim bằng lồng ấp, bảo đảm độ ấm trong quá trình di chuyển. Hệ thống sưởi trong phòng thông tim giúp trẻ duy trì nhiệt độ tối ưu.

Mang lại sự sống cho bé sơ sinh bị tim bẩm sinh nặng ảnh 1
Bé gái được nong bóng mở rộng vách liên nhĩ sau hai giờ chào đời.

Bác sĩ luồn ống thông có đầu bóng từ tĩnh mạch đùi đến tâm nhĩ trái. Bóng được bơm căng lên và rút đột ngột về tâm nhĩ phải, tạo ra lỗ thông trên vách liên nhĩ. Thao tác bơm bóng trên trẻ sơ sinh cần cẩn trọng và chính xác, vì mạch máu rất nhỏ.

Nếu vị trí ống thông quá sâu, khi bơm bóng có thể làm vỡ tĩnh mạch phổi. Lúc rút bóng cũng không được quá mạnh vì có thể tổn thương tĩnh mạch chủ dưới.

Sau 20 phút can thiệp, lỗ thông ở vách ngăn tâm nhĩ hình thành, giúp máu xanh và máu đỏ trộn lẫn dễ dàng, đưa oxy đến nuôi các cơ quan não, tay, chân… một cách đồng đều.

Siêu âm tim sau thủ thuật cho thấy lỗ thông liên nhĩ đạt kích thước 4 x 5.1 mm, máu trộn tốt. Bệnh nhi giảm hẳn tím tái, thở êm, tiếp tục được theo dõi tại khoa Hồi sức Tim mạch.

Chuyển vị đại động mạch là dị tật ít gặp với tỷ lệ 4,7/10.000 trường hợp, chiếm 3% tổng số ca bệnh tim bẩm sinh. Việc điều trị phức tạp cần nguồn lực lớn nên hầu hết tập trung ở một số ít bệnh viện lớn.

Dự kiến trong vòng một tuần, khi sức khỏe bé ổn định sẽ được tiến hành phẫu thuật để đưa động mạch chủ và động mạch phổi về đúng vị trí: động mạch chủ gắn với tâm thất trái, động mạch phổi gắn với tâm thất phải và cắm lại động mạch vành nối với động mạch chủ.

Bác sĩ Phúc thông tin, chuyển vị đại động mạch là dị tật ít gặp với tỷ lệ 4,7/10.000 trường hợp, chiếm 3% tổng số ca bệnh tim bẩm sinh. Việc điều trị phức tạp cần nguồn lực lớn nên hầu hết tập trung ở một số ít bệnh viện lớn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh bao gồm mẹ có tiền sử nhiễm rubella hoặc các bệnh lý nhiễm trùng khác do virus khi mang thai; thai phụ lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc dùng một số loại thuốc; mẹ bị đái tháo đường thai kỳ không được kiểm soát.

Trẻ bị tật tim bẩm sinh chuyển vị đại động mạch cần được phẫu thuật một hoặc nhiều lần tùy theo từng trường hợp, nhằm sửa chữa đưa các động mạch về vị trí bình thường và dù đã được phẫu thuật rồi, trẻ vẫn cần được chăm sóc, theo dõi sức khỏe suốt đời.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo, để giảm nguy cơ thai nhi bị chuyển vị đại động mạch nói riêng và dị tật tim bẩm sinh nói chung, phụ nữ nếu có tiền sử gia đình bị dị tật tim hoặc đã sinh em bé có khiếm khuyết tim bẩm sinh cần gặp bác sĩ chuyên về di truyền và tim mạch để được tư vấn trước khi mang thai.

Bên cạnh đó, khi có kế hoạch mang thai, nên tiêm vaccine trước ít nhất 6 tháng, bổ sung vitamin và axit folic, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát chặt chẽ nếu phát hiện đái tháo đường thai kỳ.