Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra thời gian qua ở Mali, gây tâm lý hoang mang cho người dân và cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo. Ngày 11/6, một vụ tấn công khủng bố nhằm vào chốt kiểm soát Koutiala ở đông nam Mali, làm ít nhất tám người, gồm hai nhân viên hải quan và sáu dân thường, thiệt mạng. Trước đó vài ngày, hai binh sĩ Ai Cập thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) thiệt mạng và hai người khác bị thương do vướng phải mìn khi đang hộ tống hàng chục phương tiện của Liên hợp quốc và một đoàn xe tải dân sự chở nhiên liệu ở thị trấn Douentza, miền trung Mali.
Ðầu tháng 6, một binh sĩ gìn giữ hòa bình người Jordan cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công của các tay súng khủng bố nhằm vào đoàn xe của MINUSMA ở thị trấn Kidal, miền bắc Mali. Hai nhân viên Hội Chữ thập đỏ Mali (MRC), trong đó có một người nước ngoài, đang trên đường trở về sau một nhiệm vụ nhân đạo đã bị các tay súng đi xe máy tấn công tước đi mạng sống. Các phần tử có vũ trang cũng bắt cóc một cặp vợ chồng người Italia cùng con của họ, và một người quốc tịch Togo ở khu vực đông nam nước này.
Mali là một nước rộng lớn thuộc vùng Sahel, nơi một phần lớn lãnh thổ nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Quốc gia Tây Phi chìm sâu trong khủng hoảng an ninh, chính trị và nhân đạo kể từ năm 2012. Hai cuộc đảo chính quân sự xảy ra tại Mali trong vòng chưa đầy một năm (tháng 8/2020 và tháng 5/2021).
Trong khi các phe phái chính trị còn "bận rộn" tranh giành quyền lực, các nhóm thánh chiến có liên hệ mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), các nhóm vũ trang tự phát và các băng cướp đã lợi dụng tình hình an ninh bất ổn, nổi dậy nhằm gia tăng ảnh hưởng, chiếm đoạt đất đai, tài nguyên và của cải. Ngoài ra, tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng địa phương cũng khiến chính quyền Mali thêm "đau đầu". Từ năm 2012, "đốm lửa" bạo lực bắt đầu bùng phát ở miền bắc, sau đó lan đến miền trung Mali, rồi sang cả hai nước láng giềng Burkina Faso và Niger, khiến hàng nghìn binh sĩ và dân thường thiệt mạng, đẩy hàng trăm nghìn người dân phải đi lánh nạn.
Trước tình trạng mất an ninh và các cuộc tấn công khủng bố gia tăng mạnh, quân đội chính quyền Mali, với sự ủng hộ của Phái bộ MINUSMA, đã tiến hành nhiều chiến dịch quy mô lớn nhằm vào các nhóm khủng bố và các tay súng thánh chiến. Trong chiến dịch không kích đầu tiên được thực hiện tại vùng Bandiagara, miền trung Mali, quân đội đã tiêu diệt 13 tay súng, trong đó có ba tên thủ lĩnh, phá hủy một số địa điểm ẩn náu của các đối tượng khủng bố. Lực lượng Phong trào giải phóng quốc gia Azawad (MSA) của người Tuareg ở Mali cũng tiêu diệt khoảng 30 phần tử khủng bố IS ở sa mạc Sahara, qua đó ngăn chặn âm mưu tiến hành các cuộc thảm sát nhằm vào dân thường. Lực lượng vũ trang FAMA tiêu diệt năm phần tử khủng bố ở khu vực miền trung Mali.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố và bắt cóc nhằm vào nhân viên các tổ chức quốc tế, người nước ngoài và dân thương tại Mali. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh ở khu vực Sahel. Theo IFRC, các vụ tấn công nhằm vào nhân viên các tổ chức nhân đạo quốc tế khiến họ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ các nhóm cư dân dễ bị tổn thương ở quốc gia Tây Phi.
Trong khi đó, Ðại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Mali, ông El Ghassim Wane khẳng định bất chấp những khó khăn, 14.000 nhân viên Phái bộ MINUSMA vẫn quyết tâm ở lại sát cánh cùng chính quyền và người dân Mali khôi phục hòa bình và an ninh.
Một số chuyên gia phân tích chính trị quốc tế cho rằng, bên cạnh những chiến dịch truy quét và tiêu diệt các phần tử khủng bố, Mali cần sớm kiện toàn chính quyền dân sự, tiến hành hòa giải các mâu thuẫn sắc tộc và địa phương, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân. Chỉ khi thu xếp hài hòa những vấn đề này, Mali mới có thể khôi phục được hòa bình, an ninh và ổn định.