Maldives đối mặt nguy cơ bị nhấn chìm

Nổi tiếng thế giới là địa điểm nghỉ dưỡng với những bãi biển cát trắng và nhiều rạn san hô lớn, song quần đảo Maldives với gần 1.200 hòn đảo lại đang phải vật lộn để tồn tại ở "đầu sóng ngọn gió" của cuộc khủng hoảng khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hòn đảo ở Maldives bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh UNICEF)
Nhiều hòn đảo ở Maldives bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh UNICEF)

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo, Maldives có thể trở thành nơi con người không thể sinh sống vào cuối thế kỷ này, nếu mực nước biển dâng khoảng 18-59 cm.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các đợt gió mùa, mưa theo mùa ngày càng gay gắt và khó dự đoán, các cơn bão và thủy triều dâng cao thường xuyên và nghiêm trọng hơn, vị trí địa lý của Maldives khiến quốc gia Nam Á này đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự thay đổi nào về khí hậu và môi trường đại dương.

Giống như các quốc đảo khác, những mối nguy hiểm tự nhiên như lũ lụt và xói mòn ven biển là thách thức sống còn đối với Maldives. Đồng thời, do địa hình thấp và bằng phẳng (80% diện tích Maldives chỉ cao hơn mực nước biển chưa đến 1m), việc ứng phó những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là vấn đề hết sức cấp bách với quốc đảo Ấn Độ Dương.

Cách đây 15 năm, khi mới nhậm chức, cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed từng cho rằng, người dân nước này có thể trở thành những "người tị nạn môi trường" đầu tiên trên thế giới, khi phải chuyển đến sinh sống ở một quốc gia khác, trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Chính quyền ông Nasheed cũng vận động người dân tiết kiệm tiền để có thể mua đất ở các nước láng giềng, như Ấn Độ, Sri Lanka, thậm chí là cả Australia cho phương án di cư. Mới đây, trước những thách thức tương tự, quốc đảo Tuvalu cũng đã ký một thỏa thuận trao quyền cho công dân chuyển tới sinh sống ở Australia trong trường hợp quốc gia nhỏ bé trên Thái Bình Dương này bị nước biển nhấn chìm.

Khẳng định Maldives sẽ không đi theo con đường giống như Tuvalu, tân Tổng thống Mohamed Muizzu nhấn mạnh, công dân Maldives sẽ không phải rời bỏ quê hương. Phát biểu ở thủ đô Male, ông Muizzu cho rằng, Maldives có thể tăng diện tích để người dân sinh sống hoặc cho hoạt động kinh tế nếu cần, đồng thời khẳng định chắc chắn người dân không cần mua hay thuê đất từ bất kỳ quốc gia nào.

Theo ông Muizzu, các bức tường chắn biển sẽ giúp biến các hòn đảo đối mặt nguy cơ bị nhấn chìm thành những "pháo đài" an toàn, qua đó, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ 500 triệu USD cho những nỗ lực bảo vệ các bờ biển dễ bị tổn thương thuộc quần đảo Ấn Độ Dương này.

Mới đây, Chính phủ Maldives và nhà phát triển bất động sản Dutch Docklands có trụ sở tại Hà Lan đã hợp tác để thiết kế và cấp vốn cho dự án xây dựng một thành phố nổi, làm chỗ ở cho khoảng 20.000 người. Công trình này cách thủ đô Male 10 phút đi thuyền, bao gồm nhà nổi, đường phố nổi, sân chơi, trường học và các nhà hàng cũng được xây dựng bằng cách lắp ráp từng mảnh, có khả năng nâng cao và hạ thấp theo các con sóng lên đến 2,5m.

Kiến trúc sư Hà Lan nổi tiếng với những công trình nổi Koen Olthuis cho rằng, việc thích ứng với dòng nước là phương án tốt nhất đối với các quốc gia bị đe dọa bởi nước biển dâng như Maldives hay Hà Lan, thay vì cố gắng dự đoán độ cao của con đê tiếp theo hoặc bức tường ngăn lũ cần thiết, việc xây dựng những thành phố nổi sẽ bảo đảm không thể bị ngập và không thể chìm.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), du lịch chiếm gần 30% nền kinh tế Maldives. Với 80% diện tích của Maldives cao hơn mực nước biển chưa tới 1m, các bức tường chắn biển có thể giữ các đảo khỏi sóng, gió, song không thể bảo đảm những hòn đảo Ấn Độ Dương này có thể duy trì sức hút đối với du khách quốc tế như trước đây.