Theo WHO, đây là trường hợp đầu tiên nhiễm virus bại liệt hoang dã ở châu Phi trong hơn 5 năm qua.
Tổ chức y tế của Liên hợp quốc thông tin thêm, kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy, chủng virus được phát hiện ở Malawi có liên quan đến 1 chủng đã lưu hành ở Pakistan, nơi vẫn đang xảy ra dịch bại liệt.
Tuy nhiên, theo WHO, do đây được xác định là ca bệnh nhập cảnh từ Pakistan, nên khu vực châu Phi vẫn được coi là nơi không lây nhiễm virus bại liệt.
Sáng kiến Xóa bỏ bại liệt toàn cầu (GPEI) cho biết, ca bệnh vừa phát hiện ở quốc gia nam châu Phi này là 1 bé gái 3 tuổi, khởi phát các triệu chứng của bại liệt vào tháng 11 năm ngoái.
Việc xác định trình tự gene của virus được tiến hành trong tháng này tại Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi. Kết quả được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ xác nhận đây là virus bại liệt hoang dã loại 1 (WPV1).
GPEI cho biết, việc phát hiện WPV1 bên ngoài Pakistan và Afghanistan, 2 quốc gia duy nhất trên thế giới nơi bệnh vẫn được xếp vào loại bệnh lưu hành, là 1 mối quan ngại nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên các hoạt động tiêm chủng bại liệt.
Trong khi đó, WHO cho biết, do luôn giám sát chặt chẽ bệnh bại liệt, châu Phi có thể khởi động các phản ứng nhanh để triển khai các biện pháp ứng phó dịch bệnh.
Tiến sĩ Ndoutabe Modjirom, điều phối viên về bệnh bại liệt tại văn phòng khu vực châu Phi của WHO cho biết, trường hợp gần nhất phát hiện virus bại liệt hoang dã ở châu lục này được xác định là ở miền bắc Nigeria vào năm 2016, trong khi trên toàn cầu chỉ có 5 ca bệnh được phát hiện trong năm 2021.
Bệnh bại liệt là 1 bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao. Virus xâm nhập vào hệ thần kinh và có thể gây tê liệt toàn bộ cơ thể trong vòng vài giờ. WHO cho biết, mặc dù chưa có cách chữa khỏi bệnh bại liệt, nhưng có thể ngăn ngừa được căn bệnh này thông qua vaccine.