Nhiếp ảnh gia Lê Bích sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh được biết đến qua nhiều giải thưởng nhiếp ảnh uy tín: Giải nhất cuộc thi ảnh Người Hà Nội thanh lịch năm 2018; giải nhất Nhiếp ảnh Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 2021; giải nhất cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam năm 2016 và 2021 do Trung tâm Truyền hình Nhân Dân - Báo Nhân Dân tổ chức.
Mùa xuân với vẻ đẹp đầy sức sống, tươi vui của thiên nhiên, con người, lễ hội… là đề tài thu hút nhiếp ảnh gia ngay từ thuở mới vào nghề. Anh chia sẻ, khoảng thời gian trước, trong và sau Tết cuốn hút người chụp ảnh một cách lạ kỳ. Khu phố cổ Hà Nội ngày thường bộn bề là thế nhưng Tết đến như được khoác tấm áo mới nhiều sắc màu trong vẻ thong dong, gọn ghẽ. Trước Tết, anh rong ruổi khắp từng con phố, thỏa sức quan sát, sáng tạo. Phố Hàng Mã rực rỡ bậc nhất với đèn, hoa, đồ mã, đồ trang trí... ngắm kỹ sẽ gặp ở những quán hàng bán lâu năm từng đôi hài tinh xảo, con ngựa được nghệ nhân chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất. Hoa xuân tràn khắp mọi nơi, nhưng hoa ở phố Hàng Lược vẫn mang nét duyên riêng có, thu hút người chơi hoa sành sỏi, kỹ càng.
Thuở mới vào nghề, đúng thời khắc giao thừa, Lê Bích thường cùng đồng nghiệp tìm vị trí ở những tầng cao, đặt chân máy và chờ chụp pháo hoa bên Bờ Hồ. Dân nhiếp ảnh dạy nhau cách chọn góc đẹp, kỹ thuật phơi sáng… Sau này, Lê Bích theo con đường riêng, nhẩn nha chờ đón giao thừa với từng góc phố nhỏ. Trên phố Dã Tượng, cùng một vị trí đặt máy và đều là hình ảnh người lao công, nhiếp ảnh gia đã nhiều lần chụp, tới năm thứ ba mới được bức ảnh ưng ý. Hình ảnh những người lao công kính cẩn chắp tay cúng lễ đêm giao thừa mang đến nguồn cảm xúc đặc biệt, gợi mở bao điều thiêng liêng đến từ chính vẻ mộc mạc, mưu sinh trên đường phố. Lê Bích kể lại, anh thường có những giao thừa rong ruổi như thế, chị lao công làm lễ xong gọi người chụp ảnh vào, mời thụ lộc. Câu chuyện năm mới có niềm vui, hy vọng, nỗi lòng… được chia sẻ trong tình cảm chân thành, ấm áp.
Mùa xuân cũng là thời điểm các nhiếp ảnh gia thỏa sức chụp về lễ hội. Nhiếp ảnh gia Lê Bích hầu như năm nào cũng có mặt ở lễ hội làng Triều Khúc, được bà con coi như người làng. Điệu múa bồng được Lê Bích tái hiện trong sự kiện “Di sản trong lòng Hà Nội”. Để có thể chụp sâu về điệu múa này, anh đã tìm đến các nhà nghiên cứu, nghệ nhân và đọc nhiều tài liệu về điệu múa từng bị thất truyền. Qua bao thăng trầm, ở làng Triều Khúc đã bảo vệ được múa bồng cùng ba điệu khác là: múa lân, múa rồng và múa chạy cờ. Tương truyền, thuở xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc nhà Đường thì nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay), ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ. Điệu múa được phổ biến trong dân gian, trở thành nét đặc trưng của hội làng.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích nhận định, trong nhiều đề tài giới nhiếp ảnh chinh phục thì mùa xuân và lễ hội là mảng thu hút sáng tác và giải thưởng ấn tượng. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế với đề tài này và có thể coi đây như điểm mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam. Thí dụ, chỉ tính riêng Lễ hội vật cầu ở các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ… đã có biết bao bộ ảnh đoạt giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế. Lê Bích có sở thích tìm hiểu sâu và so sánh về các lễ hội. Cùng là vật cầu, ở làng Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội) là quả cầu sơn son trong khi làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) lại là quả cầu bằng gỗ lim, nặng khoảng 20 kg và vật trên bùn… Anh tâm đắc với quan điểm công chúng xem ảnh sẽ hiểu được câu chuyện về văn hóa, lịch sử, bản sắc truyền thống nên sẽ chụp thành chuỗi, cả khoảnh khắc trước và sau lễ hội. Lễ hội vật cầu, nhiếp ảnh gia luôn chụp từ lúc trai tráng ở nhà chuẩn bị trang phục, làm lễ cúng, cho tới khi quả cầu được dâng hương báo công.
Tính đến nay, nhiếp ảnh gia Lê Bích chụp khoảng hơn 50 lễ hội mùa xuân khắp đất nước. Bên cạnh đó, đề tài làng nghề anh cũng dành nhiều tâm huyết theo đuổi. Nhiều gia đình ở những ngôi làng trồng lá dong, bưởi, cam, làm hương... anh chụp ảnh từ khi lũ trẻ con trong nhà còn nhỏ tới lúc đã lập gia đình riêng. Cuộc sống nhiều đổi thay, đam mê nghệ thuật vẫn luôn được người nghệ sĩ bồi đắp bền bỉ. Lê Bích quan niệm, trước khi sáng tạo, nghệ sĩ phải hiểu biết và chăm chỉ. Một tác phẩm, cần đúng, đẹp trước khi đến độc, lạ. Phía sau mỗi bức ảnh phải có gương mặt, số phận con người, cuộc sống thì mới chinh phục được công chúng qua niềm rung động chân thành.