Mã hóa cuộc gọi - Nỗ lực đáng hoan nghênh của Facebook

Facebook bắt đầu triển khai mã hóa các cuộc gọi được thực hiện thông qua ứng dụng nhắn tin Messenger nhằm tăng tính bảo mật cho người dùng. Nỗ lực này được dư luận đánh giá là rất đáng hoan nghênh của Facebook, sau một loạt các vụ bê bối lộ thông tin người dùng mà công ty này gặp phải thời gian qua.

Mã hóa cuộc gọi - Nỗ lực đáng hoan nghênh của Facebook

Trong một thông báo đưa ra hôm 13/8, Facebook tuyên bố, nội dung tin nhắn và các cuộc gọi thông qua ứng dụng Messenger đều được mã hóa đầu cuối ngay tại thời điểm nội dung được chuyển đi từ thiết bị của người gửi cho đến thời điểm nội dung này đến được thiết bị của người nhận. Với việc mã hóa như vậy, nội dung của tin nhắn hay cuộc gọi sẽ không thể bị “đọc trộm” hay “nghe lén” bởi bên thứ ba, kể cả đó là Facebook.

Facebook cho biết thêm, việc mã hóa các tin nhắn văn bản đã được thiết lập ở dạng tùy chọn từ năm 2016. Tuy nhiên, trong bối cảnh, lưu lượng người dùng ứng dụng liên lạc Messenger để gọi điện và nhắn tin gia tăng nhanh chóng, ước tính có khoảng 150 triệu cuộc gọi video mỗi ngày như hiện nay, Facebook khẳng định, bản cập nhật mới với các cuộc gọi có hình ảnh hoặc không hình ảnh đều được mã hóa sẽ góp phần tăng cường bảo mật thông tin và tính riêng tư cho người sử dụng.

Hồi đầu tháng 8 này, Facebook đã khóa tài khoản của các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Theo dõi quảng cáo thuộc Đại học New York với lý do lo ngại về quyền riêng tư. Facebook tuyên bố, việc khóa tài khoản nhằm ngăn chặn thu thập và trích xuất dữ liệu trái phép.

Các nhà nghiên cứu thì phản đối mạnh mẽ hành động của Facebook, cho rằng động thái này gây cản trở việc tiếp cận nhằm xác định các thông tin sai lệch trong quảng cáo chính trị. Tuy nhiên, Facebook đáp trả rằng, việc khóa tài khoản phù hợp thỏa thuận đạt được với các nhà chức trách Mỹ về bảo vệ quyền riêng tư của người dùng năm 2019, sau vụ bê bối Cambridge Analytica, khi dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook bị thu thập nhằm mục đích quảng cáo chính trị.

Cục Điều tra liên bang (FBI) Mỹ cảnh báo, việc “mã hóa đầu - cuối” các tin nhắn giữa người gửi và người nhận tuy góp phần bảo đảm tính riêng tư, song vô tình lại “bảo vệ” cho việc liên lạc của tội phạm và các phần tử khủng bố, gây cản trở các cuộc điều tra của lực lượng chức năng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, nhu cầu sử dụng các nền tảng trực tuyến để liên lạc tăng cao. Do đó, trách nhiệm của các hãng công nghệ ngày càng nặng nề trong việc vừa bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, vừa nỗ lực chống lại các thông tin sai lệch, cổ xúy lan truyền bạo lực.