- Gần nửa thế kỷ trước, cuộc sống Hà Nội trong chiến tranh và dưới bom Mỹ đã hiện diện trong tuổi thơ của chị ra sao?
- Phải nói là, dù lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, nhưng tôi chưa phải chịu một trận bom nào, nhưng dù chưa biết chữ đã biết xuống hầm chữ A tránh bom, rồi đội mũ rơm tới lớp và đi học dưới giao thông hào… 12 ngày đêm Hà Nội bị bom B52, nhà tôi lúc ấy trú ở phố Đội Cấn, đêm đó ở cửa hầm nhìn ra thấy máy bay Mỹ bị cháy rơi xuống trước cửa trường Ngọc Hà của tôi gần đó. Mẹ dắt đi tìm ông bà đồng hương ở phố Khâm Thiên sau trận bom, trong khói hương, chân giẫm lên gạch ngói vụn vỡ tung tóe khắp nơi, tan hoang đổ nát …
- Ngày 30/4/1975, chắc chắn thời khắc lịch sử ấy gợi lên cho chị nhiều điều?
- Tôi còn nhớ, trưa 30/4/1975, trước thời điểm Đài Tiếng nói Việt Nam công bố hòa bình, sân khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) hãy còn vắng vẻ. Từ hành lang tầng 4 nhìn xuống, tôi, một cô bé 12 tuổi nhảy nhót chờ mẹ về. Tôi nhớ, đột nhiên sân tập thể sống động, người lớn trẻ con đổ ra reo vui. Mẹ tôi phóng rất nhanh trên chiếc xe Diamant, tôi chạy xuống đón, mẹ buông xe lao lại ôm tôi, nói: Giải phóng rồi! Thống nhất rồi! Tôi hiểu mẹ đã mong điều đó rất lâu, vì mẹ vốn là người miền nam tập kết ra bắc. Chung quanh có tiếng reo hò, tiếng đài, tiếng bàn tán xôn xao, mọi người đông đúc, mang cờ ra treo trước nhà. Khoảnh khắc đó đã trở thành một sự kiện đặc biệt của gia đình tôi. Từ đó, hằng năm, khi mẹ còn sống và cả khi mẹ đã mất, mỗi ngày 30/4 về đều là một ngày kỷ niệm của cả nhà!
- Một sự kiện đã tác động sâu sắc, cụ thể đến chị và đồng trang lứa, điều mà đến hôm nay chúng ta càng có thể cảm nhận thấu đáo?
- Đã gần 50 năm để một sự kiện trở thành lịch sử, nhìn lại bằng con mắt và tâm thế của hôm nay, từ một đứa trẻ, nay đã ở tuổi được phép nghỉ ngơi, tôi thấy ảnh hưởng đó rất lớn đối với thế hệ mình - một sự kiện có tính bản lề, chấm dứt chiến tranh và mở ra hòa bình. Đất nước thống nhất, đồng nghĩa với việc mẹ tôi được gặp lại ba mẹ và người em gái mà khi mẹ ra đi thì dì mới lên ba tuổi, và tôi được có ông bà ngoại và các cậu, dì.
Tháng 10/1975, nhà tôi ba người gồm ba, mẹ và tôi, đăng ký được chỗ trên một đoàn xe tải vốn dùng để chở gia súc, khi đó được tăng cường chở đồng bào tập kết về nam thăm quê sau 21 năm chia cắt. Chặng đường dài, mệt mỏi nhưng tràn ngập ấn tượng đối với một đứa bé như tôi. Ở Đông Hà (Quảng Trị), dấu vết của những trận giao tranh quyết liệt chưa kịp dọn dẹp hết, giầy dép, quần áo lính còn vương vãi dọc đường… Đến Quy Nhơn (Bình Định), rời xe ô-tô, lần đầu ngồi xe hon-đa ôm để về đường Cường Để (nay là phố Trần Phú). Đang ngồi sau xe, bỗng mẹ hét lên: "Cái lưng của ba kìa!". Đi thêm 100 mét nữa thì xe dừng, quả thật người có cái lưng mà mẹ tôi đã nhận ra từ xa đó, sau 21 năm cách biệt, chính là ông ngoại tôi! Kỳ diệu làm sao!
Trước đó, đầu tháng 5/1975, nhà báo, Đại tá Lê Kim ở cùng khu tập thể chúng tôi đã có bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân về một "Ông già Quy Nhơn" tên là Phạm Được, đã phá ngục và mở khóa phòng giam cho các bạn tù chính trị khi thành phố được giải phóng. Mãi đến khi báo ra, mẹ đọc bài này, thật bất ngờ, đã nhận ra ngay người trong bài báo chính là ba đẻ mình!
- Quá trình làm báo, nhiều năm làm thiện nguyện, chị cảm nhận thế nào về ý niệm một cuộc sống không chiến tranh và hai chữ "đồng bào"?
- Dân tộc Việt Nam là một, với những mối quan hệ dằng dịt, nhỏ nhất là gia đình, rồi đến họ hàng huyết thống, lớn hơn là làng xóm, cộng đồng, quê hương… Ngay lúc này đây, một nhóm các bạn trong đội của tôi đang đi công tác ở Quảng Nam, gặp một gia đình, trước đây đông con, thì trong đó có người tập kết, có người nhảy núi, có người ở lại và đi lính dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa… Hoàn cảnh lịch sử như thế. Cuộc sống như thế. Hết chiến tranh, vẫn phải sum họp một nhà, vẫn máu mủ ruột rà, vẫn tình làng nghĩa xóm. Và tôi đã thật sự bị thuyết phục và hiểu thêm ý nghĩa của chữ tình lớn lao và hai chữ "đồng bào" rất hay, rất đúng để nói về dân tộc ta qua những câu chuyện ly tán và đoàn tụ!
- Cuộc sống luôn có những vấn đề mà có thể hậu thế sẽ lý giải thỏa đáng hơn, nhưng trước hết, có những giá trị sống không thể phủ nhận. Chị nghĩ thế nào về điều này?
- Là sự tử tế, là lòng nhân ái, là tình yêu thương giữa người với người, là lá lành đùm lá rách, là sự quan tâm, san sẻ với người cùng cảnh ngộ và người yếu thế hơn mình… Và hòa bình có giá trị cao nhất, quan trọng nhất. Hòa bình thiết yếu như không khí, vượt lên tất cả mọi điều kiện sống thông thường, là giá trị vĩnh cửu cho mọi thời đại!
Những khoảnh khắc nghẹn lời... |
- Bướng bỉnh, quyết liệt, "không biết thỏa hiệp" có vẻ mới thật là tính cách của chị, Như chưa hề có cuộc chia ly, dường như đã cho thấy rất rõ điều này?
- (Cười) Tôi là một người cần cù và có trách nhiệm. Tôi sinh ra trong một gia đình mà một mớ rau muống cũng cố gắng nhặt lấy từng chiếc lá còn có thể dùng được chứ không bỏ đi. Vậy nên, khi đi làm tôi theo đuổi không phải đam mê, mà là sống có ích, cái gì có ích cho mọi người thì mình làm. Năm 2000, khi tiếp cận trực tiếp nhiều cảnh ngộ ly tán, thất lạc, thấy cuộc đời còn có những tiếng kêu đau xót không ai nghe thấu, tôi đã biết mình cần làm gì đó, như lập đội tìm kiếm là bên thứ ba để đoàn tụ người thân, trong khi Đài chỉ có thể tổ chức sản xuất truyền hình. 5 năm sau, có chủ trương xã hội hóa, Như chưa hề có cuộc chia ly ra đời, không phân biệt giới tuyến, kể về những câu chuyện thật trong đời với nỗi đau chung của sự chia ly và vẻ đẹp lấp lánh của tình người, với ba đề bài - mục tiêu quá khó mà chúng tôi đã từng bước làm được chút ít là tìm kiếm và đoàn tụ các trường hợp bị ly tán, lan tỏa những giá trị yêu thương trong xã hội và đặc biệt là góp phần dù rất bé nhỏ vào công cuộc hòa hợp dân tộc!
- Thế hệ trước năm 1975 dễ dàng hiểu và chia sẻ hơn về quá khứ, về những đau thương ly tán trong và sau chiến tranh. Chị có nghĩ vậy?
- Thực tế là hầu hết các bạn ở chỗ tôi hiện có độ tuổi 22-25. Và tôi rất phục vì các bạn ấy phải thật sự có tình yêu như ruột thịt những người có hoàn cảnh không may mắn thì mới làm tốt được công việc chúng tôi đang làm!
- Những giá trị nhân văn mà Như chưa hề có cuộc chia ly đưa lại, những khó khăn khi vận hành một chương trình thiện nguyện cần được hiểu và chia sẻ ra sao, thưa chị?
- Người Việt mình vốn giàu lòng trắc ẩn. Khi thiên tai bão lũ càng thấy rõ điều đó. Mong rằng những ai may mắn hơn đều có thể giúp đỡ những người ở thế yếu, không chỉ khi cảm xúc dẫn dắt mà bằng lòng trắc ẩn thường trực trong tâm. Mỗi ổ bánh mì giá 20 nghìn đồng cho đi mỗi tháng, ai cũng có thể làm được; nếu 30 nghìn người cùng làm như vậy, mỗi tháng sẽ có 10-12 gia đình được đoàn tụ và Như chưa hề có cuộc chia ly sẽ tiếp tục kể những câu chuyện về tình người. Hình thức, tâm thế thiện nguyện này tốt hơn rất nhiều thay vì chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của một số cá nhân, tổ chức, hay chỉ nhân các sự kiện đau thương.
- Truyền thông bài bản chính là cách để câu chuyện hòa hợp tiếp cận rộng rãi cộng đồng trong và ngoài nước, chị có nghĩ vậy?
- 15 năm qua, chúng tôi đã làm được một số việc, có lẽ vì thế nên mới có nhiều người trong và ngoài nước biết đến và ủng hộ chương trình. Để lan tỏa nhiều hơn, chúng tôi hiện đã có những người bạn makerting giỏi hỗ trợ làm việc này một cách bài bản hơn. Nhìn chung là sẽ còn phải cố gắng rất nhiều!
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!