Lý luận, phê bình văn học cần hòa nhịp sôi nổi hơn vào đời sống

Vừa qua, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng giao Hội đồng thực hiện. Việc tặng thưởng năm nay để lại khoảng trống khi không có tác phẩm đoạt mức A, song tín hiệu vui là đã xuất hiện những cây bút trẻ mang đến hơi thở đương đại khá gần gũi, sôi nổi.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng tặng các tác giả có tác phẩm đoạt mức B năm 2023. (Ảnh Thủy Nguyên)
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng tặng các tác giả có tác phẩm đoạt mức B năm 2023. (Ảnh Thủy Nguyên)

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhận định: Từ năm 2012 đến nay, Hội đồng đã tổ chức 10 đợt xét chọn, trao tặng thưởng; khen thưởng các cơ quan xuất bản, báo chí có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, quảng bá, sáng tạo văn học, nghệ thuật-lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa. Không chỉ năm nay, trước đó, đã có một số mùa tặng thưởng không có tác phẩm đoạt mức A. Hội đồng quyết định trao mức B nhằm hướng đến giá trị đích thực, thuyết phục thay vì trao một vài mức A còn băn khoăn.

Năm 2023, có 118 tác phẩm (gồm 34 cuốn sách và 84 bài viết) được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị Hội đồng xét tặng thưởng. Cả ba lĩnh vực, gồm: Lý luận chung; lý luận, phê bình văn học; lý luận, phê bình các loại hình nghệ thuật đều có những tác phẩm tốt, công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn; đề cập kịp thời những vấn đề thiết thực trong đời sống văn học, nghệ thuật, có tác dụng định hướng công tác lý luận, sáng tác; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, lệch lạc trong đời sống văn học, nghệ thuật.

Trong tổng số 25 tác phẩm được trao tặng thưởng, có những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, phù hợp với sự đa dạng của bạn đọc, như: “Nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương” (Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp); “Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại); cụm bài: “Đến với thơ hay và những ngộ nhận”, “Lạ hóa trong thơ”, “Trăng Tân Trào một dáng vẻ mới trên nền cũ” (nhà nghiên cứu Hà Quảng)... Đáng chú ý, mùa giải lần này đã ghi nhận nỗ lực của các cây bút phê bình trẻ, như: Nguyễn Hoài Nam với “Neo chữ”, Đỗ Anh Vũ với “Mây trong đáy cốc”, Hoàng Đăng Khoa với “Những tờ sạch”... Các tác giả có điểm chung là đều công tác ở các cơ quan báo chí, văn chương, phụ trách chuyên mục có liên quan lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật nên tác phẩm của họ ngoài học thuật còn mang tính tương tác, linh hoạt cao.

Dù tạo được nhiều dấu ấn, nhưng khoảng trống về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật luôn được đề cập sau mỗi mùa giải. Giới chuyên môn cho rằng, lực lượng viết trong lĩnh vực còn mỏng, chưa tương xứng với sự phát triển sôi nổi của đời sống văn học cũng như chưa có tác động mạnh mẽ vào đời sống, cảm thụ của công chúng. Những lý do cơ bản dẫn đến thực trạng này là: Thiếu cơ sở đào tạo chuyên sâu; chưa có những kênh quan trọng để phổ biến tác phẩm; ý thức, trách nhiệm của đội ngũ quản lý, chuyên môn trong lĩnh vực còn hạn chế; mặt bằng tiếp nhận của bạn đọc chưa cao...

Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã xây dựng quy chế làm việc; nghiên cứu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa những chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Theo đó, để các tác phẩm đi vào đời sống, có tác động tích cực và mạnh mẽ, Hội đồng sẽ triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả; tăng cường phối hợp, tập trung nghiên cứu, lý giải một cách khoa học, thấu đáo những vấn đề lớn, như: phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, cơ chế đãi ngộ, phát triển thị trường, quảng bá văn học, nghệ thuật; tiếp thu tinh hoa tư tưởng văn nghệ nước ngoài và vai trò của tư tưởng văn nghệ Mác-xít hiện nay; nâng cao giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng...

Trong hành trình đưa các tác phẩm lý luận phê bình hòa nhập vào đời sống đương đại, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tiến hành “điện tử hóa” ấn phẩm, ra mắt tạp chí Lý luận, phê bình văn học điện tử và liên kết với nhiều website khác như của Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật địa phương, nhà trường... để đăng tải thường xuyên các bài nghiên cứu chuyên sâu. Hội đồng tổ chức nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng cho đối tượng rộng rãi là các phóng viên, biên tập viên đang hoạt động trong các cơ quan báo chí, xuất bản Trung ương và địa phương. Hội đồng dự kiến mở rộng tập huấn sinh viên, học viên lĩnh vực lý luận phê bình có chất lượng cao, chọn lọc từ các nhà trường, đơn vị đào tạo.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Nhận thức sâu sắc các quan điểm, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước, hơn 20 năm qua, Hội đồng vừa đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vừa coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Cùng với hoạt động xét và trao tặng thưởng, hằng năm, ngay từ đầu năm, Hội đồng thông báo rộng rãi về việc tiếp nhận các bản thảo hoặc đề cương chi tiết có chất lượng tốt của các tác giả trong cả nước để xem xét, có thể hỗ trợ kinh phí xuất bản. Hướng đi này góp phần động viên, khích lệ các cây bút lý luận, phê bình, nhất là các cây bút trẻ, chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cho nhiều năm sau.

Hội đồng đặc biệt coi trọng tính học thuật, tính mới, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các tác giả khi đi vào các vấn đề, hiện tượng, khuynh hướng hay trường hợp văn nghệ cụ thể, đặc biệt là đóng góp của tác phẩm đoạt giải đối với thực tiễn sáng tác; nghiên cứu lý luận, phê bình; quảng bá và tiếp nhận giá trị tác phẩm”.