Ăn ốc sống, uống nước nhiễm dầu cầm cự
Hai mươi ngày sau khi gặp nạn, anh Nguyễn Vũ 42 tuổi, ở xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi về đến nhà người chỉ còn da bọc xương. Cái chết vẫn ám ảnh ngư dân thâm niên gần 30 năm theo ngọn sóng. Trước mặt Vũ, hình ảnh đi tìm ốc sống trên cồn cát để ăn vẫn còn hiển hiện trước mặt. Gần sáu ngày trên cồn cát của cụm đảo Loại Ta, 9 ngư dân anh em Vũ sống qua ngày bằng chai nước suối 1,5 lít bị nhiễm dầu và những con ốc nhỏ nhặt bên rìa cồn cát.
Anh Nguyễn Vũ nhớ lại, khoảng 20 giờ tối 1/11, khi đang đánh bắt ở khu vực bãi cạn đá An Nhơn, cụm đảo Loại Ta, cách đảo Sơn Ca 20km thì tàu QNg 90499 TS bị sóng đánh va vào rạn ngầm, tàu lật úp trong chớp nhoáng. 9 thuyền viên chỉ kịp bám mê tàu trước khi tàu lật úp hoàn toàn, hai ngư dân còn lại mất tích. Đêm tối, sóng mạnh, anh em tìm dây cột chặt vào long cốt tàu, vừa ngồi trên mê tàu vừa bám dây không để sóng cuốn đi. Tàu trôi trong đêm, đến trưa hôm sau dạt vào cồn cát của cụm đảo Loại Ta, tất cả vật dụng trên tàu hầu như mất sạch.
May mắn còn sống sau hoạn nạn, anh Trần Nhân và Nguyễn Vũ mong muốn được tiếp sức để theo nghề biển. |
Sau phút định thần, anh Trần Nhân 45 tuổi, ngụ Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi thấy búa và xà beng bên cạnh tàu vỡ. Lặn vào bên trong phần tàu còn lại, Nhân dùng búa, xà beng đục ván tàu tìm thấy trong hầm còn duy nhất chai nước suối.
Cồn cát đôi của đảo Loại Ta là hai gò cát nhỏ, rộng khoảng 50m2. Mỗi khi thủy triều lên lấp gò nhỏ, các ngư dân lại chạy qua gò nổi còn lại để trú tạm. “Mỗi đêm, cồn bên kia bị nước biển lấp anh em chia nhau chỗ nằm phía còn lại để không bị ướt. Cứ qua lại hai cái cồn nhỏ mấy chục mét vuông đó”, anh Nhân kể.
Trôi dạt bãi cát nhỏ giữa biển, các ngư dân tìm cách chống chọi đói, khát. Canh thủy triều xuống, người chia nhau vòng quanh bãi tìm sò, ốc hoặc bất cứ thứ gì có thể ăn được. Cồn cát chìm, nổi theo thủy triều chỉ có những con ốc nhỏ sống quanh bãi cát là món ăn duy nhất cho 9 thuyền viên bị trôi dạt.
Chai nước suối 1,5 lít duy nhất bị nhiễm dầu máy trở thành nước uống chống khát bốn ngày phơi nắng trên bãi cát nhỏ.
“Chúng tôi chia nhau đi lượm ốc, ai đỡ hơn chút thì đi, ai mệt thì nằm. Ngày cũng lượm được hơn nửa lon ốc, ăn sống luôn. Chai nước thì nhiễm dầu giờ nghĩ tới tôi còn nhợn. Nhưng phải để dành chia nhau, khát quá thì làm một nhấp nhụm nhỏ thôi”, anh Nguyễn Vũ thành thật khi chưa thôi nỗi ám ảnh.
Bốn ngày đói, khát, cơn mưa lớn giữa biển đã tiếp nước ngọt cho các thuyền viên, thêm chút hy vọng mong manh giữa trùng khơi vô tận.
Cần trợ lực cho ngư dân trở lại biển khơi
Đánh bắt khu vực biển gần cồn cát, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hòa của tàu QNg 90671 TS thấy thấp thoáng áo phao phất phơ ra hiệu cầu cứu. Neo tàu cách bãi 500m, Hòa cùng 7 anh em đưa hai thúng tiếp cận nạn nhân. Kiệt sức, không trụ vững, thuyền viên tàu QNg 90671 TS phải cõng 9 ngư dân lên thúng đưa về thuyền.
Chút cháo loãng, nước ấm sau hơn 5 tiếng, nhiều ngư dân tàu QNg 90499 TS hồi tỉnh. Anh Nguyễn Tấn Hòa cùng cả tàu tiếp tục hành trình 7 tiếng đồng hồ đưa 9 anh em đồng nghề về đến đảo Sơn Ca để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục cứu chữa. Gắn bó với biển cả, Hòa nhiều lần trợ giúp bạn nghề thoát nạn ở các vùng biển quanh đảo Song Tử Tây, Sơn Ca... Nhiều tàu thuyền ngư dân như Hòa lai dắt tàu bị nạn, đưa ngư dân về đảo, về bờ cứu chữa với hành trình đi về dài, phí tổn tăng cao nhưng cứu được anh em bị nạn là niềm vui lớn nhất.
“Dắt tàu, đưa người về bờ xong quay ra đánh bắt tiếp phí tổn nhiều nhưng cái tình, cái nghĩa mình làm, mình vui. Anh em cũng không đòi hỏi gì, được tặng bằng khen, được động viên thì càng vui hơn”, thuyền trưởng Hòa trải lòng.
Bãi san hô An Nhơn, thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - nơi có cồn cát ngư dân trôi dạt vào. (Ảnh: Google Earth) |
Được tàu Kiểm ngư Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đưa vào cảng Cam Ranh sau nhiều ngày ở đảo Sơn Ca, 4 thuyền viên ở Khánh Hòa về nhà, 5 ngư dân Quảng Ngãi lặng lẽ tiếp tục hành trình trở về quê biển Bình Sơn và TP Quảng Ngãi. May mắn thoát chết sau vụ lật tàu, bà con làng biển đến thăm hỏi, động viên những ngư dân kiên cường.
Ngư dân trẻ Võ Văn Long ở xã Bình Châu, thuyền viên tàu bị nạn bảo rằng, tinh thần là sức mạnh duy nhất giúp 9 anh em trụ qua sáu ngày đêm. Đi biển, sống chết đôi lúc trong tích tắc nên anh em cùng tàu gắn bó nhau trong những ngày biển giã. Sai hay đúng bảo ban nhau, nói cùng nhau chứ không bè phái, cô lập hay gây khó trong chuỗi ngày hành nghề. Đấy là kinh nghiệm xương máu của ngư dân ven biển như Long.
“Sáu ngày đó anh em trụ nhau cố gắng không để ai gục ngã vì nếu một người gục thì sẽ chết nhanh và tinh thần không còn nữa”, Long giãi bày.
Gia sản con tàu cùng phí tổn hơn 3 tỷ bỏ lại biển khơi, thuyền trưởng tàu QNg 90499 TS Nguyễn Văn Nở mất trắng. Còn sống trở về, Nở vẫn chưa hồi phục tinh thần. Ý nghĩ tiếp tục nghề biển mưu sinh, Nở đang cố gắng tìm cách để có tàu ra khơi.
“Giờ tính vay làm tiếp chứ nghề biển nghỉ thì lấy gì ăn”, Nở tâm tư.
Mỗi năm, ngư dân nghề lặn ở vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn thường có 8 phiên biển cùng 8 tháng lênh đênh giữa khơi xa.
“Cũng cần quan tâm đến tàu thuyền ngư dân tham gia cứu người như hỗ trợ dầu, một phần tổn phí thì sẽ động viên tàu thuyền trên biển giúp nhau nhanh hơn, kịp thời hơn khi cần”, anh Nhân đề nghị.
“Chúng tôi đến thăm, động viên hai chủ tàu. Mong liên đoàn lao động, UBND huyện động viên ngư dân, khen thưởng người cứu nạn”, ông Bùi Hồng Vân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết.