Đến ngày 23/11, tức là 2 ngày sau khi trận động đất có cường độ 5,6 xảy ra tại thị trấn Cianjur, tỉnh Tây Java, lực lượng cứu nạn Indonesia vẫn tiếp tục đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát tại Cianjur.
Thị trấn Cianjur thuộc địa phận Tây Java, tỉnh đông dân nhất tại Indonesia, cách thủ đô Jakarta hơn 200km về phía nam, là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận động đất này.
Theo thông báo mới nhất của giới chức Indonesia, đến nay, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất đã tăng lên 268 người.
Trận động này cũng làm hư hại hơn 20.000 ngôi nhà. Ngoài những nạn nhân thiệt mạng, còn có hàng nghìn người bị thương và hàng trăm người vẫn mất tích.
Ông Suharyanto, người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia, cho biết, nhà chức trách đã sơ tán gần 60.000 người dân đến các khu vực an toàn. Công tác tìm kiếm cứu hộ đang tiếp tục được triển khai.
Thông thường, một trận động đất có cường độ 5,6 được dự báo sẽ gây ít thiệt hại cho các tòa nhà và công trình khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, khoảng cách gần với các đường đứt gãy, độ nông của trận động đất và kết cấu hạ tầng không tương xứng đã góp phần gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản tại tỉnh Tây Java.
Trận động đất ngày 21/11 có được coi là mạnh?
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra tại Indonesia đầu tuần này có cường độ 5,6 và tâm chấn ở độ sâu 10km.
Các trận động đất có độ lớn như vậy thường không gây thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, USGS chỉ ra rằng: "... Thiệt hại còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như khoảng cách của trận động đất, loại đất, quá trình xây dựng...".
Ngôi trường tại Cianjur, tỉnh Tây Java, bị sập sau trận động đất. (Ảnh: Reuters) |
Hàng chục tòa nhà tại Indonesia đã bị hư hại, bao gồm các trường nội trú Hồi giáo, một bệnh viện và nhiều công trình công cộng khác. Cầu và đường cũng bị hỏng, trong khi một số khu vực tại Tây Java bị mất điện.
Vì sao trận động đất này gây nhiều thiệt hại đến vậy?
Các chuyên gia cho biết, vị trí gần các đường đứt gãy, độ sâu của động đất và việc các tòa nhà không được xây dựng bằng phương pháp chống chịu động đất là những yếu tố gây ra thiệt hại này.
“Mặc dù trận động đất có độ lớn trung bình nhưng nó xảy ra gần mặt đất... và nằm trong đất liền, gần nơi người dân sinh sống. Năng lượng của nó vẫn đủ lớn để gây ra rung lắc đáng kể, từ đó dẫn đến thiệt hại”, Phó Giáo sư Địa chất học Gayatri Marliyani của Đại học Gadjah Mada (Yogyakarta, Indonesia), cho biết.
Cũng theo Phó Giáo sư Marliyani, khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận động đất nằm gần một số đường đứt gãy đã được biết đến từ trước.
“Khu vực này dường như có nhiều đường đứt gãy trong đất liền nhất so với những nơi khác ở Java”, bà Marliyani nói.
Đường đứt gãy là nơi có một vết nứt dài trong lớp đá tạo thành bề mặt Trái đất. Khi động đất xảy ra trên một trong những đường đứt gãy này, đá ở một bên của đường đứt gãy sẽ bị xô lệch so với bên kia.
Chuyên gia này cho biết thêm, trong khi một số đường đứt gãy đã được biết đến ở khu vực này, còn nhiều đường đứt gãy đang hoạt động khác vẫn chưa được nghiên cứu kỹ.
Nhân viên y tế điều trị vết thương cho các nạn nhân của trận động đất bên ngoài một bệnh viện tại Cianjur, ngày 21/11. (Ảnh: Antara) |
Chuyên gia địa chất động đất Danny Hilman Natawidjaja của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ địa chất thuộc Viện Khoa học Indonesia cho biết, nhiều tòa nhà trong khu vực xảy ra động đất cũng không được xây dựng theo thiết kế chống chịu động đất, từ đó càng góp phần gây ra thiệt hại.
"Điều này khiến một trận động đất với độ lớn và độ sâu như vậy (trận động đất ngày 21/11 vừa qua) càng gây ra nhiều thiệt hại hơn", ông Natawidjaja nêu ý kiến.
Indonesia có thường xuyên hứng chịu động đất?
Quốc gia có hơn 270 triệu dân này thường xuyên phải hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có nhiều vết đứt gãy ở vỏ Trái đất do hoạt động của các mảng kiến tạo. "Vành đai lửa Thái Bình Dương" trải dài khoảng 40.000km và là nơi ghi nhận phần lớn các trận động đất trên thế giới.
Lực lượng cứu nạn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích. (Ảnh: Reuters) |
Nhiều trận động đất ở Indonesia có cường độ nhỏ và không/ít gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, nước này cũng từng chứng kiến những trận động đất gây nhiều thương vong.
Tháng 2/2022, trận động đất có độ lớn 6,2 đã khiến 25 người chết và hơn 460 người bị thương tại tỉnh Tây Sumatra. Trước đó, tháng 1/2021, trận động đất có độ lớn tương tự đã cướp đi tính mạng của hơn 100 người và làm bị thương gần 6.500 người tại tỉnh Tây Sulawesi.
Năm 2004, trận động đất có cường độ 9,1 ngoài khơi đảo Sumatra ở miền bắc Indonesia đã kéo theo sóng thần làm rung chuyển 14 quốc gia, cướp đi tính mạng của 226 nghìn người dọc bờ biển Ấn Độ Dương, trong đó một nửa số nạn nhân được ghi nhận tại Indonesia.