Lượm ve chai giúp người nghèo

Hơn ba tháng nay, hình ảnh chàng trai trẻ trung, năng động đạp xe dạo quanh quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cùng tờ giấy có in dòng chữ "Hãy trao cho tôi chai nhựa, vỏ lon" trở nên quen thuộc với nhiều người. Đó là Nguyễn Đình Sơn, 27 tuổi, người lượm ve chai để chia sẻ yêu thương đến những mảnh đời gian khó vô tình gặp trên đường.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Đình Sơn và công việc ý nghĩa, lan tỏa yêu thương.
Nguyễn Đình Sơn và công việc ý nghĩa, lan tỏa yêu thương.

Trời nhá nhem tối, đang trên đường đạp xe tập thể dục và lượm ve chai, thấy một bà lão dắt chiếc xe đạp cũ có đặt túi ni-lông rất to trên yên sau, anh Sơn vòng lại, đến gần trò chuyện. "Bà ơi, bà đi lượm ve chai à? Bà đã ăn uống gì chưa? Con có thể tặng bà một món quà được không?".

Nghe tiếng người hỏi, bà Nguyễn Thị Mây (74 tuổi, thuê trọ tại quận Gò Vấp) dừng lại. Thấy nụ cười thật tươi trên gương mặt thân thiện của Sơn, bà Mây đáp lời, giọng xen lẫn niềm vui. "Ừ, tối nào bà cũng đi lượm ve chai khu này. Cháu ăn mặc đẹp vậy lại đi lượm ve chai à?". Câu hỏi quen thuộc ấy mấy tháng nay anh Sơn nghe mãi, đến thuộc lòng, nhưng anh vẫn vui vẻ giải thích với bà cụ mới quen.

Anh Sơn kể, sau biến cố lớn vào tháng 3 vừa qua khiến tài sản mất hết, lại phải gánh thêm số nợ lớn, tinh thần anh sa sút trầm trọng. Có lúc anh nghĩ đến cái chết vì thấy mọi thứ quá nặng nề. Tuy nhiên, nhờ gia đình giúp đỡ, động viên, anh Sơn quyết định bắt đầu lại hành trình mới với kế hoạch khả quan hơn.

Việc đầu tiên anh chọn để cân bằng cảm xúc là đạp xe tập thể dục quanh khu vực mình đang sinh sống. Đạp xe được vài bữa, anh Sơn thấy chán liền nảy ra ý tưởng vừa tập thể dục, vừa lượm ve chai để trò chuyện, chia sẻ chút phế liệu với những cô chú nghèo khó có duyên gặp trên đường.

Vậy là chiếc xe thể thao mầu đen được gắn thêm thùng xốp to đùng, vai anh thì đeo chiếc sọt nhựa rong ruổi khắp các ngả đường quen thuộc để lượm ve chai. Có người hỏi, đi Nhật làm việc bao năm, về Thành phố Hồ Chí Minh vào công ty này, tham gia dự án nọ, giờ đạp xe đi gom ve chai, có thấy xấu hổ không? Nghe vậy, anh Sơn chỉ cười, nói mình có làm gì sai trái đâu mà xấu hổ. Ngược lại, anh còn thấy vui với hoạt động mà bản thân cho là ý nghĩa này.

"Tôi vẫn làm việc trả nợ và dành ra một phần tiền cho vào phong bao lì xì dành tặng người cao tuổi đi lượm ve chai trên đường. Tuần ba buổi, tôi đạp xe quanh khu vực quận Gò Vấp và các quận lân cận lượm ve chai. Kết thúc buổi đạp xe, tôi thường tìm một, hai cô chú để trao tặng toàn bộ số phế liệu lượm được kèm theo bao lì xì và một cái ôm thật chặt", Sơn vui vẻ cho hay.

Không chỉ tặng ve chai cùng bao lì xì, Sơn còn dành khá nhiều thời gian để tâm sự cùng mọi người. Càng gặp gỡ, tiếp xúc, Sơn càng thương yêu và muốn cho đi nhiều hơn. Sợ mấy cô chú ngại không lấy tiền, Sơn bày ra trò chơi bốc thăm may mắn. Anh nói, trong bốn bao lì xì anh cầm trên tay, mệnh giá sẽ dao động từ 1 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng. Ai may mắn nhất sẽ bốc được bao có mệnh giá cao. Nghe vậy, cô chú lượm ve chai nào cũng phấn khởi tham gia. Họ đâu biết, cả bốn bao lì xì đều cùng mệnh giá 200 nghìn đồng. Sơn nói, làm như vậy để cô chú thấy mình may mắn. Cô chú cực khổ nhiều rồi, thi thoảng có chút niềm vui bất ngờ sẽ nhẹ nhàng hơn.

Chính trong những lần trò chuyện dọc đường như thế, anh Sơn mới biết bà Mây bị ung thư, phẫu thuật hai lần rồi và sống một mình trong căn phòng trọ cũ kỹ. Thương bà, anh kết nối quan hệ cá nhân, tìm người đến phụ lợp lại trần nhà, sơn mới tường và thay nhiều vật dụng cho căn trọ mười mấy mét vuông.

Đứng trước phòng trọ mới được anh Sơn và các bạn trẻ cùng sơn sửa, bà Mây xúc động, mắt rưng rưng. "Tôi không nghĩ thằng bé tốt với người dưng đến vậy. Tôi có quen gì Sơn đâu, vô tình cháu gặp tôi, cho nhiều ve chai, lon bia để tôi bán kiếm tiền. Cháu lì xì tiền mấy lần rồi, giờ thì sửa nhà trọ cho tôi. Tôi biết ơn nhiều lắm. Đây là điều khiến cho những người neo đơn như tôi cảm thấy ấm lòng", bà Mây vừa nói vừa nắm lấy tay anh Sơn, siết chặt.

Đứng cạnh bên, anh Sơn cười xòa, ngượng ngùng nói "Có gì đâu bà. Chỉ cần bà vui với món quà chúng con tặng là được rồi. Từ giờ, bà lượm ve chai nhớ tranh thủ về sớm, ngủ thật ngon trên bộ ga đệm mới này. Nếu bà khó khăn, đừng ngại gọi cho con nhé". Nói rồi, anh Sơn cùng các bạn thu dọn đồ đạc, bày trí phòng trọ cho bà Mây thật tươm tất rồi rời đi, bắt đầu hành trình chia sẻ yêu thương mới.

Khi chia sẻ câu chuyện của bản thân lên nền tảng xã hội, điều anh Sơn nghĩ đến đầu tiên là lan tỏa lối sống tích cực, có trách nhiệm với môi trường của một người trẻ. Anh Sơn đâu ngờ rằng, từ cầu nối này, rất nhiều người lạ trong cộng đồng tìm đến chung tay lan tỏa yêu thương.

Thấy anh Sơn đạp xe tới, nhiều chủ quán ăn gom ve chai gửi tặng anh. Không ít bạn trẻ ở các huyện ngoại thành gom ve chai gửi đến nhà, nhờ anh tặng các cụ già khó khăn. Số ve chai cứ thế tăng dần cùng với niềm vui anh Sơn có được từ việc sẻ chia.

Khi các lời gợi ý chung tay trong cộng đồng ngày một nhiều, chàng trai quê Đắk Lắk đang lên kế hoạch thành lập một vựa ve chai tại quận Gò Vấp để có thể thu gom, bán ve chai, tích lũy thêm nhiều bao lì xì cho người nghèo.

Anh Sơn kể lại: "Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, khi tôi trút sạch túi chai lọ vừa lượm được cho một cô đang tìm ve chai trên đường. Cô vui lắm, tôi cũng vậy. Nhưng tôi còn vui hơn khi ngay lúc đó có một chú đến gần trò chuyện, cô chẳng ngần ngại tặng lại một nửa số ve chai. Vậy đó, yêu thương lại tiếp nối yêu thương nên đâu cần đợi thật giàu mới có thể cho đi. Tôi cứ cho đi trong khả năng của mình để nhận lại nụ cười từ mọi người".