Lúng túng chuyện sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) áp dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2022-2023. Đây là năm học thứ ba, ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Các giáo viên tại Hà Nam tham gia chương trình tập huấn và làm quen sách giáo khoa. (Ảnh: ĐẠI NGHĨA)
Các giáo viên tại Hà Nam tham gia chương trình tập huấn và làm quen sách giáo khoa. (Ảnh: ĐẠI NGHĨA)

Hiện nay đã có 48 sách giáo khoa lớp 3, 40 sách giáo khoa lớp 7 và 44 sách giáo khoa lớp 10 với đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt làm căn cứ để các địa phương lựa chọn sử dụng trong các nhà trường từ năm học tới. 

Khó chọn sách, thiếu giáo viên

Đến thời điểm này, các địa phương đã ban hành kế hoạch tổ chức giới thiệu, lựa chọn, cung ứng và tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa. Sở giáo dục và đào tạo các địa phương tổ chức thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 25 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Bên cạnh ba nguyên tắc để lựa chọn, có thêm tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư nêu rõ, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh, thành phố thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một hội đồng, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó. Tuy nhiên, do Mỹ thuật và Âm nhạc là hai môn học mới bắt đầu được giảng dạy ở lớp 10 từ năm học 2022-2023, việc chọn thành viên hội đồng lựa chọn sách giáo khoa môn Âm nhạc, Mỹ thuật là khó khăn chung mà nhiều địa phương đang gặp, bởi cấp trung học phổ thông chưa có giáo viên đảm nhiệm hai môn học này.

Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ Huỳnh Thanh Lập cho biết: Về lựa chọn sách giáo khoa đối với môn Âm nhạc và Mỹ thuật của lớp 10 còn gặp khó khăn, Sở đã gửi văn bản đề xuất UBND thành phố xin chủ trương sử dụng giáo viên trung học cơ sở đủ tiêu chuẩn để tham gia hội đồng. Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có hướng dẫn để thuận lợi cho các địa phương. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng đề xuất: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên có cơ chế phê duyệt 3 đến 5 bộ sách giáo khoa. Có quá nhiều bộ sách giáo khoa ở một môn học khiến địa phương rất rối và không có sức để lựa chọn.  

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, môn Tiếng Anh và môn Tin học sẽ được triển khai bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, cả nước hiện có 30.548 giáo viên Tiếng Anh, trong đó, biên chế là hơn 25 nghìn người, giáo viên hợp đồng là 4.987 người. Để bảo đảm  dạy tiếng Anh đủ theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cần thêm 3.605 giáo viên. Một số địa phương thiếu nhiều giáo viên như Sơn La, Thanh Hóa, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Thái Nguyên... Nếu dồn toàn bộ giáo viên Tiếng Anh tập trung dạy cho học sinh lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2022- 2023 thì số lượng thiếu vẫn rất cao. Ở môn Tin học, phòng máy tính nhiều nơi đã xuống cấp, lạc hậu; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet chưa đồng bộ. Một số nơi không chỉ thiếu máy tính  mà còn thiếu phòng học, thậm chí thiếu đất xây dựng phòng máy tính.

Nhiều địa phương cũng khó tuyển giáo viên do không có nguồn để tuyển, dù có chỉ tiêu biên chế; ưu đãi và chế độ chính sách không đủ để thu hút giáo viên tham gia công tác giảng dạy. Có những nơi không có giáo viên tốt nghiệp đại học theo quy định của Luật Giáo dục mới; có nơi đã tuyển đủ biên chế và không còn chỉ tiêu cho giáo viên ngoại ngữ... Cùng với đó, các trường có nhiều điểm trường lẻ và các điểm cách xa nhau cũng gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên dạy học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải cho biết: “Sắp xếp giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học rất khó, chúng tôi đã áp dụng phương pháp dạy liên trường theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đặc điểm của Lâm Đồng là địa bàn phân tán, khoảng cách từ trường này đến trường kia lên đến 20 km nên giáo viên chưa sẵn sàng   dạy liên trường”.

Bảo đảm quyền lợi của học sinh

Thời gian qua, vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Mặc dù các địa phương đã có kinh nghiệm lựa chọn sách giáo khoa cho các lớp 1, 2 và 6 nhưng đến nay, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 vẫn còn những rào cản, thách thức từ lựa chọn sách giáo khoa, số lượng và chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất đến tài chính... Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện dịch bệnh lại càng khó nên rất cần sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các trường, địa phương. Để tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo thực hiện Thông tư 25.

Đối với môn Âm nhạc và Mỹ thuật cấp trung học phổ thông (là các môn học mới, lần đầu  triển khai), UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp bố trí giáo viên giảng dạy cho các trường trung học phổ thông, trước mắt trong năm học 2022-2023 có thể ưu tiên điều động giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học cơ sở có trình độ đại học trở lên để bố trí dạy ở cấp trung học phổ thông; đồng thời lựa chọn một số giáo viên trong số giáo viên đó để tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo quy định. 

Đối với môn Tiếng Anh và môn Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3, các địa phương, nhà trường cần quan tâm đến quyền được học của học sinh; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để đáp ứng được điều kiện dạy học. Không thể vì khó khăn mà không triển khai; cần tập trung để sớm tìm giải pháp tháo gỡ.  

Về tuyển dụng giáo viên giảng dạy Tiếng Anh và Tin học, các sở giáo dục và đào tạo cần chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố để báo cáo với HĐND xin tăng thêm chỉ tiêu giáo viên hai môn học này khi thiếu. Trường hợp không còn chỉ tiêu thì xin cơ chế đặc thù để hợp đồng thêm. Việc tuyển và hợp đồng giáo viên cần được triển khai sớm để bảo đảm giáo viên kịp tham gia tập huấn, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa trước khi bước vào giảng dạy; tuyệt đối không để giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng tham gia giảng dạy.

Để kịp triển khai sử dụng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo đúng tiến độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chủ động phối hợp với các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý theo tiến độ thời gian quy định;  bảo đảm tất cả giáo viên dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cán bộ quản lý được bồi dưỡng giảng dạy sách giáo khoa phù hợp với lựa chọn của cơ sở giáo dục. Những giáo viên không tham gia bồi dưỡng hoặc không đạt được mức đánh giá theo yêu cầu thì không bố trí dạy học. Các nhà xuất bản chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để bồi dưỡng cho tất cả giáo viên dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và cán bộ quản lý theo tiến độ thời gian quy định. Đồng thời, xây dựng bài tập, câu hỏi kiểm tra sau bồi dưỡng để các sở giáo dục và đào tạo đánh giá và công nhận kết quả bồi dưỡng...

Lúng túng chuyện sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới -0
Bản mẫu sách giáo khoa lớp 3 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: KIM BẠCH)