Trong một tuyên bố, Ban Thư ký CSTO nhấn mạnh lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức này đã được cử đến Kazakhstan trong một thời gian nhất định để giúp ổn định và bình thường hóa tình hình tại quốc gia Trung Á này. Theo tuyên bố, việc triển khai này có các đơn vị của các lực lượng vũ trang Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan, những nước thành viên còn lại trong CSTO.
Tuyên bố không nêu rõ số lượng binh sĩ được cử đến Kazakhstan, nhưng cho biết nhiệm vụ chính của các lực lượng này là bảo vệ các cơ sở quân sự và nhà nước quan trọng, đồng thời hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật thiết lập trật tự nhằm ổn định tình hình tại Kazakhstan.
Về tình hình tại Kazakhstan, kênh truyền hình nhà nước ngày 6/1 đưa tin 12 nhân viên thực thi pháp luật đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với người biểu tình ở thành phố lớn nhất Almaty. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Kazakhstan cho biết hàng chục đối tượng gây rối cũng đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực tại thành phố này.
Trước diễn biến bất ổn ngày càng gia tăng tại Almaty, Hãng hàng không Lufthansa của Đức ngày 6/1 cho biết đã tạm ngừng các chuyến bay đến sân bay Almaty cho đến khi có thông báo tiếp theo. Sân bay Almaty đã bị các đối tượng chống Chính phủ Kazakhstan chiếm giữ khiến nhiều chuyến bay bị hủy bỏ trước khi lực lượng an ninh chính phủ giành lại quyền kiểm soát.
Văn phòng Tổng thống Kazakhstan ngày 6/1 cũng ra thông báo cho biết Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã ra lệnh triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các phái bộ ngoại giao cũng như những nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia Trung Á này.
Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan.
Trước tình hình bạo lực leo thang trong nước mà nguyên nhân được cho là do các phần tử khủng bố đứng đằng sau, Tổng thống Tokayev tối 5/1 đã phải yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.
Đáp lại lời kêu gọi này, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng tối cao CSTO, ngày 6/1 đã quyết định cử các lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan để giúp ổn định tình hình ở quốc gia thành viên này. Điều lệ của CSTO cho phép giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, nhưng phải được thực hiện trên cơ sở quyết định của một quốc gia có chủ quyền.