Chuyện thời sự

Lực đẩy và lực hút

Sau vụ đảo chính không thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, mối quan hệ của nước này với các đồng minh phương Tây xấu đi nghiêm trọng, trong khi đó An-ca-ra dường như đang xích lại gần hơn trong quan hệ với người láng giềng Nga.

Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ dù đã được dập tắt, nhưng vụ việc này lại đang làm bùng lên mâu thuẫn giữa chính quyền của Tổng thống R.Éc-đô-gan với các nước phương Tây. Sau vụ đảo chính, An-ca-ra đã đình chỉ công tác hoặc bắt giữ hơn 60 nghìn người và không loại trừ khả năng khôi phục án tử hình. Lo ngại vấn đề nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) G.Giăng-cơ đã tuyên bố rằng An-ca-ra sẽ "không có cửa" gia nhập EU nếu khôi phục lại án tử hình. Đáp trả tuyên bố này, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ca-vu-xô-glu đã không khách khí nêu rõ rằng, EC không nên “ra vẻ là bề trên" với An-ca-ra. Với Mỹ, Bộ trưởng Ca-vu-xô-glu cũng vừa tuyên bố quan hệ song phương sẽ bị tác động nếu Oa-sinh-tơn không dẫn độ Giáo sĩ P.Gu-len, nhân vật bị An-ca-ra cáo buộc đứng sau vụ đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lại đang ấm lên. Tổng thống Nga Pu-tin đã điện đàm với Tổng thống Éc-đô-gan bày tỏ mong muốn sớm thấy Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục trật tự và ổn định quốc gia sau vụ đảo chính. Hai vị Tổng thống còn dự định sẽ gặp nhau vào ngày 9-8 tới.

Xem ra, những mâu thuẫn sau vụ đảo chính đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa hơn trong quan hệ với phương Tây, nhưng lại tạo lực hút để nước này bình thường hóa quan hệ với nước Nga láng giềng, bởi Mát-xcơ-va và An-ca-ra đều đang cần đến nhau.

Có thể bạn quan tâm