Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

ND - Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008) quy định về phòng bệnh truyền nhiễm tại Chương II, gồm 26 điều, từ Ðiều 9 đến Ðiều 34 và được chia thành sáu mục.

Nội dung của chương này được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, vệ sinh phòng bệnh, giám sát bệnh truyền nhiễm, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ðồng thời bổ sung các quy định mới về an toàn sinh học; sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc; trách nhiệm của thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh trong việc thực hiện các quy định nhằm phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mục 1 từ Ðiều 9 đến Ðiều 12 quy định về nội dung, đối tượng, yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân, đường lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Hậu quả của bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe, tính mạng con người và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ðối tượng của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm là mọi người đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, những người trong gia đình họ và các đối tượng trong vùng có dịch, vùng có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm là phải: chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, kịp thời; phù hợp với đối tượng, truyền thống văn hóa, dân tộc, đạo đức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục tập quán. Trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Luật quy định cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhất là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, UBND các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng.

Ở mục 2, Luật quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm (từ Ðiều 13 đến Ðiều 19). Ðó là các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong xây dựng, vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt và các hoạt động khác trong vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm.

Mục 3 quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm (từ Ðiều 20 đến Ðiều 23) quy định về hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm, nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm, báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm và trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm.

Mục 4 quy định về An toàn sinh học trong xét nghiệm (từ Ðiều 24 đến Ðiều 26) gồm các quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm, quản lý mẫu bệnh phẩm và bảo vệ người làm việc trong phòng xét nghiệm. Ðây là một trong các điểm tiến bộ của luật so với luật của các nước trong khu vực. Với việc đưa ra các quy định mang tính định khung về an toàn sinh học và giao Chính phủ quy định cụ thể sẽ góp phần chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc, hạn chế đến mức tối đa các nguy cơ làm phát tán nguồn bệnh từ các phòng xét nghiệm ra cộng đồng.

Mục 5 quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh (từ Ðiều 27 đến Ðiều 30) gồm các quy định về nguyên tắc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế tự nguyện, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc và trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế.

Như vậy, việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế được chia thành hai hình thức là bắt buộc và tự nguyện, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là việc Luật quy định chính sách miễn phí cho các đối tượng là trẻ em, phụ nữ có thai đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch và các thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được sử dụng miễn phí vắc-xin, sinh phẩm y tế. Ðồng thời, luật cũng quy định rõ trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng khi sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế và người làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế.

Mục 6 quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (từ Ðiều 31 đến Ðiều 34). Ðó là các quy định về biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

V.H.L