Chuyện pháp luật

Luật hóa quyền thụ hưởng của nhân dân

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật) được đánh giá là dự án luật có phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm chú ý của đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, nhân dân. Tại Hội nghị các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu thảo luận sôi nổi, cho ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân dự chương trình tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng ngày 29/9/2022 (Ảnh: Duy Linh).
Người dân dự chương trình tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng ngày 29/9/2022 (Ảnh: Duy Linh).

Ðược biết, sau Kỳ họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thiết kế các nội dung cơ bản của dự án luật theo hướng cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" cả về kết cấu và nội dung.

Những vấn đề chính trong dự thảo được nhiều đại biểu phân tích, làm rõ, liên quan việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nội dung khác là cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, được xem là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thật sự đi vào cuộc sống, phát huy cao nhất dân chủ cơ sở trong thực tiễn đời sống.

Ðể tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành trong Luật có một chương riêng điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; bổ sung quy định về ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; bổ sung một điều về quyền thụ hưởng của nhân dân.

Một nội dung nữa được đề nghị là tiếp tục rà soát, xác định rõ chủ thể đại diện người lao động tham gia bàn, quyết định các vấn đề dân chủ cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động.

Tán thành việc tổ chức ban thanh tra nhân dân ở tất cả loại hình cơ sở, bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ nội dung về trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của mô hình này bảo đảm tính thống nhất, khả thi; và làm rõ việc thành lập, trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn...

Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thiết kế các nội dung cơ bản của dự án luật theo hướng cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" cả về kết cấu và nội dung.

Ðại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và nhiều đại biểu khác đề nghị xem xét các nội dung liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị.

Ðại biểu cho rằng, với chức năng hiện tại của ban thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện hết nhiệm vụ của mình; và đã bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của mô hình này. Ngoài ra, dự án Luật hiện nay bổ sung thêm chức năng kiểm tra, như vậy liệu có trùng với chức năng kiểm tra của một số bộ phận khác không? Cơ quan thẩm tra dự án Luật thời gian tới cần đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp đánh giá, làm rõ hơn về hiệu quả của ban thanh tra nhân dân trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị để các đại biểu Quốc hội có thông tin khi xem xét và quyết định.

Bày tỏ quan tâm những vấn đề lớn trong dự thảo Luật, về quy định quyền thụ hưởng của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp gần đây cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm một khoản của điều này về việc người dân, công dân được cung cấp thông tin; được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ, chính sách liên quan đời sống vật chất, tinh thần, nhất là vấn đề về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Trung ương và địa phương.

Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) và một số đại biểu đề nghị nên bổ sung nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai về kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với người đứng đầu chính quyền địa phương định kỳ hằng năm để người dân biết và giám sát.

Nhấn mạnh việc quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để bảo đảm người dân có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận tiện, dễ dàng là cần thiết, theo các đại biểu Quốc hội, việc quy định rõ nội dung công khai, hình thức công khai sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc cung cấp thông tin đến nhân dân.

Việc quy định rõ nội dung công khai, hình thức công khai sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc cung cấp thông tin đến nhân dân.