Luật Dầu khí sửa đổi sẽ tạo điều kiện để ngành phát triển ổn định, bền vững

NDO - Ngày 27/12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp Báo Lao Động tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Luật Dầu khí sửa đổi-tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Đức Hiếu phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Phan Đức Hiếu phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Dầu khí sửa đổi. Với 11 chương, 69 Điều, Luật Dầu khí năm 2022 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, phát triển kinh tế bền vững cũng như phát triển năng lượng quốc gia.

Luật Dầu khí sửa đổi sẽ tạo điều kiện để ngành phát triển ổn định, bền vững ảnh 1

Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc phát biểu khai mạc tọa đàm.

“Luật Dầu khí sửa đổi lần này đã có nhiều điểm mới như đã bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Trên tinh thần đó, Báo Lao Động phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Luật Dầu khí sửa đổi - Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư”, ông Chúc cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra những điểm mới của Luật Dầu khí sửa đổi. Theo ông Hiếu, nội dung của Luật Dầu khí sửa đổi hoàn toàn khác biệt về nội dung, mục tiêu, mục đích thúc đẩy. Luật có 10 điểm đã thay đổi bao gồm cả sửa đổi và bổ sung, tạo ra 3 mục tiêu kỳ vọng như: thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí. Hoạt động dầu khí là một hoạt động rủi ro, cần có cơ chế tài chính. Đặc biệt, đối với mỏ dầu khí cận biên, chi phí điều tra cơ bản của Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được tính từ nguồn sau thuế, nếu dự án không thành công thì được bù đắp bằng chi phí lợi nhuận sau thuế, bù đắp rủi ro trong hoạt động dầu khí.

“Nội dung của Luật Dầu khí sửa đổi đã bỏ hẳn một chương về điều tra cơ bản nhằm đánh giá, tìm kiếm dầu khí, xác định rõ thẩm quyền, kinh phí, hình thức về điều tra cơ bản, thông qua thoả thuận với PVN. Từ đó tạo cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, cạnh tranh với các nước trong khu vực, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí”, ông Hiếu cho biết.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp (Học viện Tài chính) đánh giá, Luật Dầu khí sửa đổi cho biết, việc xây dựng bộ luật này đã thay đổi nhiều về cách thức, tư duy làm luật mới, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý; tạo điều kiện giám sát, thăm dò dầu khí tốt hơn; huy động nguồn lực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào thăm dò, trên cơ sở đó bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia. Các quy định về hợp đồng dầu khí thuận lợi hơn nhiều so trước đây. Các nhà thầu quốc tế rất dễ hiểu, dễ tiếp cận, từ đó dễ dàng đầu tư hơn.

Các quy định về tận thu vừa tận dụng được khả năng làm việc, bảo đảm chi phí, lợi ích mà các chủ thể khai thác đạt được, có các yêu cầu về miễn giảm, điều kiện cụ thể hóa. Từ đó giúp cho nhà đầu tư yên tâm khai thác, bảo đảm hiệu quả hoạt động tận thu.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Luật Dầu khí sửa đổi có những phần mới trải rộng quá trình hoạt động, khai thác dầu khí liên quan đến tìm kiếm thăm dò, điều tra cơ bản, những ưu đãi đặc biệt, quy định về kế toán kiểm toán, phân cấp phân quyền sao cho hiệu quả...

Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát chặt chẽ hơn, hiện thực hóa công tác triển khai, tăng độ linh hoạt thuận lợi, tương thích với luật quốc tế, tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai trong bối cảnh các mỏ hiện nay đang có sự cạn kiệt.

Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2022. Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 thay thế Luật Dầu khí ngày 6/7/1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14.

Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được hơn 420 triệu tấn dầu và hơn 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 18-25% GDP cả nước.

Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5-6%, 10-13% GDP cả nước). Những số liệu đó đã cho thấy, vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016-2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí (là tỷ lệ giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Khai thác khí đốt trong nước còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy tương xứng, việc sửa đổi Luật Dầu khí sẽ giúp ngành dầu khí tập trung và đẩy mạnh phát triển thời gian tới.