Giọt mồ hôi lặng lẽ
Từ trung tâm Quận 1 đến phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chừng 18 km nhưng chúng tôi phải lái xe hơn một giờ đồng hồ mới tới được nhà Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tín. Giáo sư Tín mời chúng tôi ngồi trên ghế đá, ngay trước Trung tâm Dạy nghề và Việc làm cho thanh niên khuyết tật của ông để trò chuyện.
Nếu mới gặp lần đầu, có lẽ ai cũng sẽ ngạc nhiên bởi Giáo sư Tín không chỉ nói chuyện bằng miệng mà còn bằng cả... tay chân, hình thể vì ông đang làm việc với nhiều người khuyết tật, trong đó không ít người câm điếc. Cách giao tiếp như vậy lâu dần trở thành thói quen.
Ngày nhỏ, cậu bé Trần Văn Tín là học sinh chuyên Toán, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Với thành tích đáng nể, năm 1986, chàng trai ấy đã đậu thủ khoa Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và nhận được học bổng du học tại Học viện Bách khoa Igor Sikorsky Kyiv - Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ukraine, ngành điện tử viễn thông.
Năm 1995, khi về nước, ban đầu ông định gắn bó và làm việc tại mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn, nhưng do mẹ bị ung thư não, em gái nhiễm chất độc da cam/dioxin, Giáo sư Tín quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp để có thể có thu nhập tốt hơn, dành dụm chăm sóc gia đình.
Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, Giáo sư Tín vừa trò chuyện với chúng tôi vừa tranh thủ hướng dẫn cho các học trò làm việc. Với chất giọng đậm âm sắc Quảng Nam, ông tâm sự: "Hồi bé, tôi rất hay mày mò thử nghiệm, thí nghiệm để chế tạo các loại máy móc thủ công từ vật liệu rác thải như: Chai, lọ, dây điện, bóng đèn cũ...
Mỗi khi học xong bất cứ định luật, định lý nào ở trên lớp, tôi đều làm thử, áp dụng vào thực tiễn và so sánh xem có giống trong sách giáo khoa không. Từ tò mò, những sáng tạo thơ bé cứ lớn dần mỗi ngày để tôi may mắn nhận được học bổng đi học ở Kiev (Ukraine). Những đam mê ấy đã đưa tôi đến nhiều nước châu Âu để tìm hiểu về ngành công nghệ điện tử".
Trở về nước, những ngày đầu mới sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, thanh niên Trần Văn Tín làm đủ nghề, kể cả làm thêm ở các chợ trời, nhận sửa chữa đồ điện, điện tử để có tiền nuôi gia đình.
Chỉ tay về phía các bạn khuyết tật đang làm việc tại Trung tâm, Giáo sư Tín chia sẻ: "Bên này là các bạn vẫn nghe nói được nhưng tàn tật, còn bên kia là các cháu câm điếc hoàn toàn. Từ hoàn cảnh của em gái mình, cho nên tôi nghĩ, nên có một nơi để những người khuyết tật, những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn có cơ hội được kiếm sống mỗi ngày chứ không phải chỉ làm việc tạm thời. Tôi mơ ước có thể tạo công ăn, việc làm cho họ, để họ có thể tự nuôi sống bản thân. Và may mắn, tôi đã làm được điều đó".
Phát minh sinh ra từ gian khó
Khi khoa học-kỹ thuật phát triển, các dòng điện thoại thông minh ra đời, nhiều thông tin cho rằng, sóng điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Chính vì thế, Giáo sư Tín đã cho ra đời sáng chế đầu tay mang tên Bộ chống xung động màng nhĩ tai khi nghe điện thoại di động hay còn gọi Màng bảo vệ tai, sau này phát triển thành Màng hấp thụ sóng điện từ (Eco-G9).
Cho đến nay, một số nghiên cứu cho thấy sóng điện từ từ điện thoại di động có thể gây ra các vấn đề sức khỏe con người như: Đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi và thậm chí ung thư. Mặc dù đây vẫn đang là vấn đề gây tranh luận nhưng nhiều chuyên gia y tế cho rằng, chúng ta không nên sử dụng điện thoại quá nhiều, nhất là không nên để điện thoại ở đầu giường trong khi ngủ...
Có thể hiểu đơn giản: Công trình khoa học Eco-G9 do Giáo sư Tín nghiên cứu và phát minh giống như một chiếc cầu chì bảo vệ sức khỏe con người trước các loại sóng điện từ chính mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống hằng ngày như: Sóng vô tuyến (điện thoại di động, ti-vi...), sóng AM và sóng FM. Thay vì con người bị ảnh hưởng bởi các sóng đó thì G9 sẽ hấp thụ sóng để bảo vệ người dùng. Người sử dụng Màng hấp thụ sóng điện từ dán vào đằng sau điện thoại di động, khi nó chuyển mầu đen, nghĩa là cầu chì đã bị cháy, cần dán miếng mới.
Công trình này khi vừa ra đời đã được một doanh nghiệp Malaysia trả giá 24.000 USD. Để có tiền chăm sóc mẹ và em gái, Giáo sư đã bán "đứa con đầu lòng", nhưng rất may, phát minh G9 chỉ bán bản quyền trong vòng 20 năm, hiện nay đã được tác giả nhận về, sản xuất cho rất nhiều thương hiệu, tập đoàn trong nước và nước ngoài với tên gọi Màng hấp thụ sóng điện từ. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm của Giáo sư Tín đã nhận sản xuất Màng hấp thụ sóng điện từ theo thương hiệu và yêu cầu của 27 đơn vị trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, Giáo sư Tín nghiên cứu nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống con người rất hữu ích như: Bộ sạc pin điện thoại trên xe máy, thiết bị chống say tàu-xe...
Năm 2006, bộ ba sản phẩm tiết kiệm điện, gas và xăng của Giáo sư Tín đã vinh dự được nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Cúp Sen Vàng, giải Cầu Vàng. Cá nhân ông được nhận danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu và "Vua sáng chế". Đây là tiền đề cho những sáng chế cải tiến sau này của ông được hoàn thiện và ưu việt hơn.
Đến nay, có hàng trăm sản phẩm đa dạng được Giáo sư Tín nghiên cứu và sản xuất, như: Đèn led siêu tiết kiệm điện, đèn led đuổi muỗi, máy điện giải tạo nước uống đóng chai ion kiềm (mô hình mẫu ứng dụng khởi nghiệp cho 63 tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025), máy xử lý nước lợ sang nước ngọt từ trường (bán cho những nơi nước bị nhiễm mặn, đá vôi), máy tạo ra bức xạ từ của tia sét nhân tạo... với giá thành rất rẻ, tiết kiệm, phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm này đều đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định chất lượng và cấp phép sản xuất.
Cầu kiều thầy đưa qua sông
Quyết định thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Thanh niên Việt Nam (ICEVN) và Trung tâm Dạy nghề và Việc làm cho thanh niên khuyết tật, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tín đã tạo cơ hội việc làm cho rất nhiều thanh niên khuyết tật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Công ty ICEVN của ông đã liên kết hợp tác với nhiều đối tác Hàn Quốc như: Hiệp hội Khuyết tật Kappd Seoul, Đại học Nambu, Đại học Honam...
Đến nay, ICEVN dành cho người khuyết tật ở Quận 12 đã đào tạo hàng trăm giáo viên là người khuyết tật đi giảng dạy tại các trung tâm khác với phương châm "nghề dạy nghề" để họ có việc làm tự nuôi sống bản thân.
"Giáo sư Tín đã cho chúng em công việc, hỗ trợ chúng em chỗ ăn ở, tiền chúng em làm ra, được giữ lại gửi về gia đình, thầy như người thân của chúng em, thầy cho em niềm tin rằng: Cuộc đời luôn có những tấm lòng cao cả để em có thể vịn vào và đứng lên. Em biết ơn thầy nhiều lắm", em Phạm Văn Năng (Sóc Trăng), sinh năm 2003, bị liệt hai chân, xúc động chia sẻ.
Hiện tại, Giáo sư Tín nuôi dạy, lo ăn, ở và tạo việc làm cho 20 người khuyết tật tại cơ sở ở Quận 12 và huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Từ cơ sở của Giáo sư Tín, hàng nghìn công nhân đã có tay nghề vững vàng, được làm việc tại các công ty trên cả nước. Có người trẻ gọi ông là ba Tín xưng con, người nhiều tuổi thì gọi là thầy Tín. Không chỉ tạo sinh kế, công ăn việc làm, nhiều người còn được ông dựng vợ gả chồng.
Gian khổ đã hun đúc nên ý chí, nghị lực để người con xứ Quảng ấy không ngừng học hỏi, vươn lên, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Bằng kiến thức sẵn có cùng sự tìm tòi, say mê sáng tạo, nhà khoa học Trần Văn Tín vẫn đang trên hành trình thực hiện khát vọng: Những người khuyết tật Việt Nam đều có việc làm và có thể tự nuôi sống bản thân.